
Theo báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình gửi Bộ Chính trị nhằm ban hành một nghị quyết chuyên đề, định hướng dài hạn cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới. Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với các chỉ tiêu cụ thể bám sát hệ thống đánh giá giáo dục quốc tế và gắn chặt với mục tiêu phát triển đất nước.
Một trong những trọng tâm của dự thảo là hiện đại hóa hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, hướng tới ngang tầm khu vực; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nhân tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Dự thảo được xây dựng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan những điểm nghẽn, hạn chế còn tồn tại của ngành, xác định rõ tư duy đổi mới và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phát triển.

Báo cáo cũng nêu rõ, mặc dù giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, song đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của toàn xã hội. Việc vận dụng cơ chế tự chủ và xã hội hóa trong giáo dục đôi khi bị hiểu sai, dẫn đến tình trạng giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục công lập, ảnh hưởng tới định hướng phát triển bền vững, đặc biệt ở bậc đại học.
Các ý kiến tại cuộc họp đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo dục trong quá trình phát triển đất nước. Nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, cần có những cơ chế, chính sách và nguồn lực mang tính đột phá. Trong đó, đầu tư công phải giữ vai trò dẫn dắt, đồng thời khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực xã hội, hướng tới phát triển bao trùm và công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Một số ý kiến cho rằng, giáo dục đại học cần trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học; giáo dục nghề nghiệp phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động và các lĩnh vực công nghệ mới. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cần tiếp tục tinh gọn, tăng cường vai trò của người đứng đầu các trường đại học, đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút nhân tài và chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy.
Vấn đề huy động nguồn lực xã hội và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong phát triển giáo dục cũng được nhấn mạnh, cùng với đó là yêu cầu đổi mới thi cử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng quản trị nhà trường.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết, đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu. Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục cụ thể hóa các nội dung trọng tâm trong định hướng 4 nghị quyết đột phá của Bộ Chính trị, đặc biệt là các nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dự thảo cần thể hiện rõ tính chiến lược và toàn diện, coi giáo dục là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; đồng thời đảm bảo tính hành động, đột phá và khả thi trong triển khai. Việc lượng hóa các chỉ tiêu cần đi kèm với dẫn chiếu rõ ràng, giảm bớt phần định tính, tăng tính đánh giá thực chất.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về các giải pháp đa dạng hóa đầu tư, hội nhập quốc tế trong giáo dục một cách thực chất, đảm bảo giáo dục Việt Nam sẵn sàng thích ứng với những thách thức và cơ hội trong giai đoạn phát triển mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo để sớm trình Đảng ủy Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.