Vĩnh Thạnh là huyện miền núi có đông đồng bào Ba Na sinh sống, với đặc thù địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, hạ tầng thông tin – truyền thông còn hạn chế. Đây là một trong những địa phương được ưu tiên triển khai các hoạt động thuộc Tiểu dự án 2 – Tiểu dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin thiết yếu, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Nổi bật trong hoạt động thời gian qua là việc thành lập 28 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại các thôn bản, quy tụ 280 thành viên – trong đó có tới 190 nam giới cùng tham gia. Các tổ này hoạt động như những “cầu nối thông tin” giữa chính quyền và người dân, giúp lan tỏa kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội một cách gần gũi, dễ hiểu.

Đặc biệt, hàng chục buổi truyền thông sân khấu hóa được tổ chức tại 29 thôn đã thu hút hơn 5.600 lượt người dân tham gia. Các chủ đề thiết thực như: phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn, mua bán người; sử dụng mạng xã hội an toàn; chuyển đổi số trong đời sống nông thôn… được thể hiện bằng hình thức tiểu phẩm, trò chơi, đối thoại dân gian – phù hợp với đặc điểm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Không dừng lại ở hình thức trực tiếp, Tiểu dự án 2 còn khuyến khích người dân tiếp cận thông tin qua nền tảng số. Các tổ truyền thông đã sử dụng Zalo, Facebook để cập nhật nội dung truyền thông thường xuyên, tạo điều kiện cho người dân – nhất là giới trẻ – tiếp nhận thông tin linh hoạt, thuận tiện, góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong đời sống hằng ngày.

Bên cạnh truyền thông nhận thức, các hoạt động giảm nghèo thông tin còn gắn với phát triển kinh tế. Các phiên chợ kết nối, quảng bá nông sản địa phương như thổ cẩm, mây tre đan, rượu cần… giúp phụ nữ dân tộc thiểu số giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, mở rộng thị trường, đồng thời tiếp cận thêm thông tin về khởi nghiệp, kinh doanh và dịch vụ công trực tuyến. Phiên chợ do Hội LHPN huyện tổ chức năm 2024 đã thu hút 8 gian hàng, hàng chục sản phẩm OCOP, góp phần khẳng định giá trị bản địa và nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế cộng đồng.
Đáng chú ý, việc hướng dẫn người dân cài đặt mã định danh điện tử mức độ 2, tuyên truyền về an toàn trên không gian mạng do lực lượng Công an và Đoàn Thanh niên phối hợp thực hiện đã đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng cao – một bước đi quan trọng trong giảm nghèo thông tin thời kỳ chuyển đổi số.
Ở lứa tuổi học sinh, 7 “Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập tại 6 trường THCS và 1 câu lạc bộ cộng đồng tại xã Vĩnh Thịnh đã thu hút 142 thành viên tích cực. Các bạn nhỏ chủ động tham gia xây dựng tiểu phẩm, giao lưu, truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại, kỹ năng ứng xử trên mạng và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin trong nhà trường. Hơn 2.400 lượt học sinh đã tham gia các hoạt động này, tạo nên làn sóng truyền thông tích cực trong thế hệ trẻ vùng cao.

Không thể không nhắc đến 14 cuộc đối thoại chính sách được tổ chức tại các xã khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn – nơi gần 500 phụ nữ dân tộc thiểu số đã trực tiếp bày tỏ quan điểm, đề xuất về các vấn đề họ quan tâm như: tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Những buổi đối thoại đã trở thành không gian dân chủ, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách – mục tiêu cốt lõi của Tiểu dự án 2.
Từ nhận thức đến hành động, từ cá nhân đến cộng đồng, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 6 đã thực sự tạo ra những tác động bền vững tại Vĩnh Thạnh – nơi mà thông tin không còn là rào cản, mà trở thành động lực để phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vươn lên làm chủ cuộc sống, chung tay xây dựng quê hương phát triển và văn minh.