Nguồn tin của một nhà cung cấp Internet trong nước cho biết hiện chỉ còn hai tuyến cáp quang biển chịu trách nhiệm kết nối đi quốc tế. Nguyên nhân từ sự cố phát sinh đồng thời trên 3 đường dây còn lại. Tuyến cáp mới nhất gặp vấn đề vào ngày 13/6, trên luồng IA (Intra - Asia). Lỗi được xác định ở vị trí thuộc nhánh S1, hướng đi Singapore.
Ngoài ra, hai tuyến khác là APG (gặp lỗi từ tháng 3) và AAE-1 (phát hiện vấn đề hôm 23/5) đều chưa được hồi phục đường truyền. Việc 3/5 tuyến cáp gặp sự cố khiến các tác vụ Internet kết nối với nước ngoài của người dùng bị ảnh hưởng, nhất là vào giờ cao điểm.
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3, cập bờ tại 2 trạm ở Đà Nẵng và Vũng Tàu. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế này lần lượt gặp sự cố. Vấn đề này tác động đến chất lượng dịch vụ Internet, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.
Theo kế hoạch, các nhà mạng lớn trong nước đang tham gia đầu tư, phát triển hai tuyến cáp có băng thông lớn gồm Asia Direct Cable (ADC) và The Asia Link Cable (ALC). Trong đó, ADC kết nối đến 3 Hub IP lớn nhất châu Á (Hong Kong, Nhật Bản, Singapore). Đường dây này sử dụng trạm cập bờ tại Quy Nhơn, có sự đóng góp của Viettel, VNPT.
Một tuyến khác được đầu tư lớn là The Asia Link Cable, liên kết đến Hong Kong, Singapore. Giữa 2023, FPT Telecom công bố đầu tư vào hệ thống này. Trong khi đó, Viettel cho biết họ là nhà đầu tư Việt Nam đóng góp nhiều nhất cho ALC.
Theo chiến lược này, đến năm 2030, doanh nghiệp trong nước cần nâng tổng số cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng ít nhất đạt 334 Tbps. Đồng thời, phải có 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ. Kế hoạch ưu tiên các tuyến cáp ngắn kết nối trực tiếp tới các Digital Hub lớn ở khu vực Châu Á.
Người dùng cần làm gì khi Internet chập chờn?
1. Sử dụng VPN
VPN (Virtual Private Network - mạng riêng ảo) có thể giúp cải thiện kết nối bằng cách chuyển hướng lưu lượng truy cập qua các máy chủ ở các quốc gia khác, giúp tránh các tuyến cáp quang đang gặp sự cố. Tuy nhiên, người dùng cũng nên chọn các ứng dụng VPN uy tín để tránh bị rò rỉ dữ liệu.
2. Thay đổi DNS
Đôi khi, việc thay đổi DNS (Domain Name System - hệ thống phân giải tên miền) có thể cải thiện tốc độ truy cập Internet. Một số DNS phổ biến mà bạn có thể thử như:
- Google Public DNS: 8.8.8.8 và 8.8.4.4
- Cloudflare DNS: 1.1.1.1 và 1.0.0.1
- OpenDNS: 208.67.222.222 và 208.67.220.220
Xem cách đổi DNS trên điện thoại Android, iPhone, máy tính Windows và macOS tại đây.
3. Tạm thời giảm sử dụng các dịch vụ tiêu tốn băng thông lớn
Các dịch vụ như xem video trực tuyến, tải tệp lớn, chơi game online có thể tiêu tốn nhiều băng thông. Trong thời gian Internet chập chờn, bạn nên tạm thời giảm sử dụng các dịch vụ này để cải thiện trải nghiệm Internet tổng thể.
4. Sử dụng 4G/5G
Nếu kết nối Internet qua cáp quang quá chậm, bạn có thể cân nhắc chuyển sang sử dụng kết nối di động 4G/5G.
5. Liên hệ nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)
Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình hình, bạn nên liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Internet để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và thông tin chi tiết về tình trạng kết nối.