1. Phải có năng khiếu mới có thể học tiếng Anh
Một ngôn ngữ thực sự khó khăn nếu như bạn không quyết tâm theo học nó. Học ngoại ngữ cần có thời gian, nhưng nó không hề khó khăn. Hàng ngày bạn phải luyện nghe, đọc nhiều lần. Khi đã có vốn từ bạn hãy bắt chuyện với người bản xứ để luyện tập phát âm cho chuẩn. Dần dần khơi gợi niềm yêu thích với ngôn ngữ bạn đã chọn. Bất cứ ai muốn học đều có thể học. Ở Thụy Điển và Hà Lan, hầu hết mọi người nói nhiều hơn một ngôn ngữ. Không phải tất cả họ đều có năng khiếu. Những vận động viên nước ngoài ở Bắc Mỹ thường học nói tiếng Anh nhanh hơn so với những người học trong một môi trường chính thức.
2. Cách tốt nhất để học một thứ tiếng là phải sống ở đất nước nói thứ tiếng đó
Muốn học giỏi tiếng Anh không nhất thiết bạn phải sinh sống tại quốc gia này.
Thực tế là, khi bạn sống ở nước bản địa, bạn không phải chịu áp lực học ngữ pháp và phát âm chuẩn khi mà những người bản xứ vẫn có thể hiểu bạn muốn nói gì và theo phép lịch sự sẽ không sửa lại những lỗi sai trong lời nói của bạn. Bên cạnh đó, việc giao tiếp thường ngày bắt buộc bạn phải nói chuyện dù có mắc nhiều lỗi đến đâu. Vì vậy, bạn dần hình thành thói quen xấu trong thực hành ngôn ngữ. Sau nhiều năm, những thói quen này ăn sâu và sẽ rất khó để bạn học lại từ đầu.
3. Cách tốt nhất để học ngoại ngữ là phải nói, nói, và nói
Đây là lời khuyên thường thấy nhất cho những người học tiếng Anh. Nhưng bạn có biết? Nói thực chất là quá trình bắt chước. Bạn không thể tự nghĩ ra các quy tắc ngữ pháp, từ vựng và phát âm được. Khi học ngoại ngữ, bạn sẽ bắt chước cách nói chuyện của người bản xứ, có nghĩa là bạn cần nghe những gì họ nói và đọc những gì họ viết. Đó cũng là quá trình để tích lũy từ mới và các cấu trúc ngữ pháp cần thiết. Nhờ vậy mà việc diễn đạt các suy nghĩ của bạn bằng tiếng Anh sẽ trở nên lưu loát và dễ dàng hơn rất nhiều.
4. Đừng ngại mắc lỗi
Nhiều giáo viên thường khuyến khích (hay ép buộc) học viên của mình luyện nói bằng cách bảo họ “Đừng ngại mắc lỗi”. Thực tế đã chứng minh là nếu bạn đã nói sai một lần thì rất dễ mắc lại lỗi sai đó về sau. Nhiều người cho rằng cần phải nói lưu loát trước rồi mới tính đến chuyện nói đúng, nhưng cách học này chỉ có thể giúp bạn nói lưu loát theo cách tư duy ngôn ngữ của chính bạn chứ không phải của một người bản xứ. Vì thế, hãy cố gắng rèn thói quen nghĩ thật kĩ trước khi nói để có thể nói lưu loát mà không mắc lỗi nào.
5. Người mới học chắc chắn sẽ mắc rất nhiều lỗi sai
Vì những lỗi sai đã trở thành một phần của việc học ngoại ngữ nên nhiều người nghĩ là có cố gắng tránh mắc lỗi cũng vô ích. Thực ra thì bạn hoàn toàn có thể giảm tối đa những lỗi sai khi học ngoại ngữ bằng cách thay đổi quan niệm trên: hãy học theo những ví dụ đúng (những câu văn chuẩn trong sách bản ngữ hay thường được người bản xứ sử dụng), và kết quả là bạn hoàn toàn có thể nói mà không mắc lỗi.
6. Không thể phát âm giống hệt người bản xứ
Đây là “lí lẽ” thường thấy khi một ai đó không đủ kiên trì để luyện phát âm một cách nghiêm túc. Việc có nhiều người không coi trọng khả năng nói tiếng Anh giọng Anh/Mỹ không có nghĩa là bạn cũng phải giống họ! Mặc dù điều này đòi hỏi một chút năng khiếu nhưng bạn hoàn toàn có thể luyện phát âm bằng sự kiên trì và một kỹ thuật đúng. Có thể cuối cùng bạn vẫn không thể nói giống hệt người bản xứ nhưng thành quả của bạn sẽ là một giọng đọc và gây nhiều hứng thú cho người nghe khi họ cố đoán xem bạn đến từ đâu qua giọng nói của bạn.
7. Nếu không học ngoại ngữ lúc còn nhỏ thì không bao giờ giỏi ngữ pháp
Quan niệm trên xuất phát từ giả thuyết gây tranh cãi mà Eric Lenneberg đưa ra năm 1967. Ông cho rằng ngôn ngữ mẹ đẻ phải được tiếp thu trước tuổi dậy thì (khoảng 12 tuổi). Sau khoảng thời gian đó, những thay đổi trong não bộ sẽ ngăn con người đạt hiệu quả tối đa trong việc học ngôn ngữ. Giả thuyết này sau đó được áp dụng cho việc học ngoại ngữ. Nhưng thực tế là có rất nhiều người bắt đầu học tiếng nước ngoài khi đã qua tuổi 20 vẫn có thể rất thành công. Mấu chốt ở đây là một phương pháp học thích hợp chứ không hẳn là tuổi tác.
Ngọc Hà (Dịch)
Nguồn: Pickthebrain