Ấn tượng với những sáng tạo mới mẻ vì ngành giáo dục

Nguyễn Hà
Bảo tàng ảo phục vụ học Lịch Sử, phòng thí nghiệm ảo, sổ tay trang bị kỹ năng phòng chống mua bán người qua biên giới...là những công trình nghiên cứu được đánh giá cao trong vòng chung khảo cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Báo Tuổi trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Chương trình đã được phát động từ ngày 25/4/2017 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai trước và trong quá trình diễn ra chương trình: 10.000 poster được phát hành tới hơn 2.000 trường THPT và cơ sở đoàn thuộc 67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. 

Sau hơn 5 tháng triển khai, đã có 284 cá nhân, 45 nhóm tác giả tham gia chương trình. Chương trình đã tiếp nhận 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước, trong đó: 171 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả (51,98%); 84 công trình, sáng  kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập (25,53%); 74 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục (22,49%)..

Chiều ngày 8/11/2017, vòng chung khảo của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục” đã được diễn ra tại Cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 10 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất đã được lựa chọn để các tác giả có cơ hội trình bày và phản biện.

Thành phần ban giám khảo của vòng chung khảo "Tri thức trẻ vì giáo dục" bao gồm: TS. Nguyễn Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), GD.TS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, Ủy viên hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2017, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông), PGS.TS Trần Quang Quý (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT).

Mỗi tác giả có 7 phút trình bày trước Ban Giám khảo chung khảo về công trình, sáng kiến, sau đó sẽ trải qua phần phỏng vấn trực tiếp của các thành viên Ban Giám khảo chung khảo.

Các tác giả đã mang theo tâm huyết và cả những “đứa con tinh thần” của mình để giới thiệu với ban giám khảo và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện.

Cô Nguyễn Thu Quyên (Giáo viên môn Lịch Sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) với công trình “Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học Lịch Sử” đã rất thuyết phục ban giám khảo với khả năng thuyết trình và độ ứng dụng cao trong thực tiễn. Cô cho biết, công trình nghiên cứu của mình được thực hiện từ năm 2015 tuy nhiên chưa được hoàn thiện và vì thế mà qua các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm cô không nhận được sự đồng tình cao. Nhưng trải qua hai năm tâm huyết với công trình của mình, tất cả các thầy cô giáo trong tổ bộ môn ở trường đều áp dụng phương pháp này và ngay cả các bạn học sinh cũng tự tiếp nhận kiến thức bằng việc thiết kế ra “bảo tàng ảo”.

Cô Nguyễn Thu Quyên trình bày về sáng kiến Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học Lịch Sử”.

TS. Nguyễn Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận xét công trình nghiên cứu của cô Nguyễn Thu Quyên rất cao, bởi nó có thể áp dụng cho các cấp học và đặc biệt là làm cho môn học nhàm chán như Lịch Sử thêm phần sinh động và hấp dẫn các bạn học sinh hơn.

Là một trong 2 bạn học sinh duy nhất lọt vào vòng chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017, Lý Phương Anh và Trần Lê Linh Chi đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo. “Sổ tay trang bị kĩ năng phòng, chống mua bán người” là công trình nghiên cứu của hai cô bạn trường THPT Chu Văn An (Lạng Sơn). Trong cuốn sổ “vàng” này là công sức, sự kiên trì của Phương Anh và Linh Chi, hai bạn mong rằng bạn bè cùng trang lứa sẽ không rơi vào vòng vây của những kẻ xấu.

Bạn Lý Phương Anh chia sẻ: “Mình đã cùng Chi tới thực nghiệm ở 4 trường trung học ở địa phương mình, có những trường mà trình độ tri thức của các bạn còn thấp thì có tới 100% các bạn không biết mình là đối tượng của những kẻ mua bán người qua biên giới. Nhưng khi mà chúng mình tuyên truyền thì có 92% các bạn học sinh được khảo sát biết tới nạn mua bán người, 100% các bạn biết số đường dây nóng để nhận sự trợ giúp”.

TS. Nguyễn Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến, chương trình nghiên cứu của các tác giả tham gia năm nay. Nếu như trong các trường được ứng dụng những công trình này thì tôi tin chất lượng giáo dục của chúng ta sẽ tăng lên rất cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có sự quan tâm, đầu tư cho những công trình ấy được hoàn thiện hơn nữa, ví dụ như bảo tàng ảo hay phòng thí nghiệm ảo”,  TS. Nguyễn Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định về các sáng kiến, công trình tham gia “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm nay.

Như vậy, vòng chung khảo chương trình "Thi thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 đã khép lại rất thành công. Lễ Tổng kết và Trao giải sẽ diễn ra vào ngày 9/11/2017 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

 Ngọc Hà

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ấn tượng với những sáng tạo mới mẻ vì ngành giáo dục tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.