Bác sĩ BV Nhi đồng 1 chỉ cách phòng ngộ độc thực phẩm

Bảo Bối
Ngộ độc thực phẩm có thể nhẹ, tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên cũng có trường hợp phải đến bệnh viện điều trị, thậm chí nguy kịch đến mức tử vong.

Khoảng 300 học sinh tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị ngộ độc thực phẩm phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi ăn trưa bán trú. Một trẻ diễn biến nặng và đã tử vong trên đường chuyển vào TP.HCM. Mối lo về ngộ độc thực phẩm khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ngộ độc thực phẩm xảy ra khi trẻ ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Bệnh thường nhẹ, tự khỏi không cần điều trị nhưng một số trường hợp cần phải đến bệnh viện.

Bác sĩ BV Nhi đồng 1 chỉ cách phòng ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1Nhiều học sinh nhập viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm

Dấu hiệu và triệu chứng: Ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy ra nước hoặc có máu; Đau bụng; Sốt. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu biểu hiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó. Tình trạng trên có thể kéo dài đến vài ngày.

Trẻ cần đến bệnh viện khi có những biểu hiện sau:

Ói mửa nhiều, không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì

Chất nôn hoặc phân có máu

Tiêu chảy hơn ba ngày

Đau quặn bụng dữ dội

Sốt hơn 38 độ C

Có dấu hiệu của mất nước: Khát quá mức, khô miệng, ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng.

Có các triệu chứng thần kinh như nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran ở cánh tay

Nguyên nhân:

Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ khâu sản xuất nào: trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển hoặc chuẩn bị. Có rất nhiều tác nhân vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm.

Các biến chứng có thể gặp phải:

Biến chứng phổ biến nhất là mất nước. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, bệnh mãn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong.

Bác sĩ BV Nhi đồng 1 chỉ cách phòng ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2

 

Một số ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng:

Nhiễm khuẩn Listeria: Trong thời gian mang thai, mẹ nhiễm khuẩn listeria có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc nhiễm trùng gây tử vong cho em bé sau khi sinh. Trẻ sau sinh có thể bị tổn thương thần kinh lâu dài và chậm phát triển.

Khuẩn E. coli: Một số chủng E. coli gây ra biến chứng nghiêm trọng gọi là Hội chứng urê huyết tán huyết. Hội chứng này làm tổn thương mạch máu nhỏ trong thận, đôi khi dẫn đến suy thận. Người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc biến chứng này.

Cách phòng ngừa:

Tại nhà, phụ huynh và trẻ nhỏ cần thường xuyên rửa tay, dụng cụ và thực phẩm.

Rửa tay sạch trước và sau khi xử lý hoặc chế biến thực phẩm; rửa sạch đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng khác mà bạn sử dụng.

Để thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền.

Uống nước đun sôi, ăn thực phẩm nấu chín.

Làm lạnh hoặc đông lạnh thực phẩm dễ hỏng trong vòng hai giờ sau khi mua hoặc chuẩn bị.

Rã đông thực phẩm một cách an toàn: Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng, an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh.

Nếu bạn cho thực phẩm đông lạnh vào lò vi sóng sử dụng chế độ "rã đông" hoặc "50% công suất" thì phải chế biến thực phẩm đó ngay.

Hãy thải bỏ thực phẩm đi khi nghi ngờ không an toàn.

Thạc sĩ, bác sĩ Châu Tố Uyên

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

(theo Vietnamnet)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bác sĩ BV Nhi đồng 1 chỉ cách phòng ngộ độc thực phẩm tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác