Điều tuyệt diệu từ ngôi trường hạnh phúc
Nếu lần đầu đặt chân đến ngôi trường Reigate Grammar Việt Nam (RGSV), có lẽ điều đầu tiên khách mời ấn tượng nhất chính là khoảng không gian thư viện được gói gọn trong 2 từ “tuyệt vời”.
Có câu: “Mỗi cuốn sách là một người thầy, một người bạn trân quý”. Sách mở ra cả một thế giới mới với vô vàn điều thú vị, đặc biệt là với các bạn nhỏ. Có lẽ vì vậy, mà Trường Quốc Tế Reigate Grammar Việt Nam đã mở ra thư viện khang trang với hàng ngàn đầu sách như một cách khơi dậy đam mê, hứng thú cho các bạn nhỏ.
Ngồi ở một góc của thư viện được bài trí với phong cách “cực chill”, đắm mình trong từng trang sách quả là điều hạnh phúc của các bạn học sinh dưới mái trường RGSV.
Những câu hỏi khơi nguồn cảm hứng
Trong buổi trò chuyện với các bạn học sinh bậc tiểu học của trường RGSV, Nhà thơ Bảo Ngọc đã nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị của các bạn nhỏ xoay quanh niềm đam mê với văn học và “làm sao để trở thành nhà thơ”.
Những câu hỏi tưởng trừng như đơn giản nhưng cho thấy sự sâu sắc và “người lớn” trong suy nghĩ các bạn học sinh.
Mở đầu buổi nói chuyện, Nhà thơ đã đọc lại tác phẩm “Cô giáo về bản” với mong muốn các bạn học sinh đến từ nhiều quốc gia có thể nghe và cảm nhận cái hay qua âm điệu của những vần thơ của người Việt.
Nhà thơ chia sẻ: “Khi còn là một cô bé như các bạn bây giờ, cô có một câu chuyện rất thú vị. Đó là được khám phá cả mấy “ba lô sách” nặng trĩu mà bố cô dành dụm mang về cho cô con gái nhỏ. Ngày ấy gia đình cô sinh sống ở một vùng quê nghèo. Cô đã làm quen với “những người bạn sách” với tâm trí đầy háo hức: “Ồ, có điều gì cất trong cuốn sách này nhỉ? Người viết nên cuốn sách này trông sẽ như thế nào? Có giống như các ông tiên bà tiên trong cổ tích hay không?... Và rồi khi đọc từng dòng chữ trong cuốn sách, thỉnh thoảng cô dừng lại ngẫm nghĩ như thể mình đang trò chuyện với “người bạn sách”, với người đã viết ra cuốn sách ấy…”
Lời mở đầu này như một sự khơi gợi đầy hấp dẫn cho các bạn nhỏ RGSV, để rồi hàng loạt cánh tay giơ lên muốn đặt câu hỏi cho nhà thơ. Liên tiếp những bất ngờ xuất hiện khiến nữ tác giả không giấu được sự xúc động.
Có bạn hỏi: “Cô bắt đầu viết như thế nào và viết từ năm cô bao nhiêu tuổi?”.
Nhà thơ Bảo Ngọc: Cô viết từ khi còn đang là học sinh với ý nghĩ thôi thúc: “Nếu một ai đó viết được thì mình cũng phải viết được chứ?”. Vậy là cô bắt đầu quan sát rồi tập viết. Ban đầu, cô viết về những điều đơn giản thôi, đó là sự chuyển màu của chiếc lá, là ánh mắt sáng lên của mẹ mỗi khi mẹ vui. Từ đó cô tập viết về những câu chuyện nhỏ xung quanh mình hoặc và đôi khi còn thử viết cả những vần thơ thơ ngộ nghĩnh.
Các bạn đừng e ngại nếu những tác phẩm đầu tay của mình khiến người khác cảm thấy buồn cười. Hãy yêu, hãy dũng cảm đi cùng những chữ mình viết ra rồi từng ngày trôi qua, chịu khó đọc sách nhiều hơn, có vốn từ ngữ phong phú sẽ giúp bạn viết hay dần lên.
Một bạn khác giơ tay: “Cuốn sách đầu tiên cô viết cho thiếu nhi là gì? Tại sao trong cuốn sách của cô có hình ảnh khu vườn, những đám mây và bầu trời?”.
Nhà thơ Bảo Ngọc: Cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi là cuốn “Gõ cửa nhà trời”. Ngay sau khi xuất bản “Gõ cửa nhà trời” đã được bình chọn là cuốn sách đại diện cho Văn học Thiếu nhi nổi bật nhất năm 2019 và sau đó có nhiều tác phẩm được đưa vào Sách giáo khoa.
Còn trong các tác phẩm của cô có hình ảnh bầu trời, đám mây và những khu vườn là bởi vì cô luôn tin những điều đó rất cần cho tâm hồn của trẻ thơ. Trẻ thơ là các thiên thần. Những đám mây, bầu trời hay khu vườn sẽ luôn nuôi dưỡng cho các em trí tưởng tượng về bao điều giản dị mà kỳ diệu từ cuộc sống quanh mình. Những vẻ đẹp ấy cần được khám phá và nâng niu.
Và có những câu hỏi rất nghiêm túc: Vì trở thành nhà thơ nổi tiếng nên cô được làm ở một “tờ báo lớn” là báo TNTP&NĐ phải không? Làm thế nào để có ý tưởng đặc biệt để mình không bị va chạm bản quyền với người khác?
Báo Đội ở trường quốc tế
Chia sẻ về niềm tự hào được làm việc tại Báo TNTP&NĐ, nhà thơ Bảo Ngọc cho biết, trước khi trở thành nhà thơ viết cho thiếu nhi, cô đã có thời gian dài gắn bó với tờ báo uy tín dành cho thiếu nhi với tuổi đời hơn 70 năm. Chính những năm tháng là phóng viên của Báo đã giúp cô có nhiều cơ hội quý báu tiếp xúc với trẻ thơ, từ đó nuôi dưỡng cảm xúc để sáng tác nên những tác phẩm dành cho các em.
Cô cũng chia sẻ, cô rất yêu những ấn phẩm đẹp của Báo Đội bởi vì các nhà báo, hay các nhà thơ, nhà văn giống như những người gieo hạt trong khu vườn. Mỗi bài báo hay, mỗi bài thơ, mỗi bức tranh hay những câu chuyện đẹp giống như như những hạt giống lành. Và điều cô hy vọng nhất, những hạt giống ấy sẽ được gieo trong tâm hồn các em để sau này chúng ta, mỗi người sẽ có một khu vườn rợp bóng mát và đầy hương thơm trong tâm trí mình.