Bạo lực học đường, thuốc lá điện tử làm "nóng" nghị trường Quốc hội trẻ em

TP
Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội), T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024.

Tham dự phiên họp có bác Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội; bác Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Quốc hội; bác Lê Thành Long - Ủy viên T.Ư Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ; các bác là Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Bác Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên họp giả định
Bác Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".

Về phía T.Ư Đoàn có anh Bùi Quang Huy - Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư - Trưởng BTC phiên họp.

Cùng dự phiên họp có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư...

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Tham gia phiên chất vấn có 306 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, có 24 đại biểu “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 tái cử tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu chào mừng Phiên họp giả định
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu chào mừng Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".

Trước khi bắt đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ và trẻ em thiệt mạng trong bão số 3 (Yagi).

Nghị trường "nóng" với bạo lực học đường

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh cho biết, căn cứ vào đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em, ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ em, Tổng thư ký Quốc hội trẻ em đã tổng hợp 6 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trẻ em. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 2 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn là "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".

Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên họp.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu trẻ em đặt ra rất nhiều câu hỏi nóng về bạo lực học đường với phần lớn câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định. Đại biểu Trần Thị Tuyết My (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: "Tình trạng bạo lực học đường đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Gần đây, có một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định của Bộ trưởng về thực trạng nêu trên, nếu đúng như vậy xin Bộ trưởng phân tích và làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên?".

Các đại biểu trẻ em nêu những vấn đề xoay quanh bạo lực học đường tại phiên chất vấn.
Các đại biểu trẻ em nêu những vấn đề xoay quanh bạo lực học đường tại phiên chất vấn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh, ngành Giáo dục và đào tạo cũng rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để có những giải pháp hỗ trợ học sinh về tâm lý học đường, tuy nhiên việc này chưa được triển khai rộng rãi.

"Chúng tôi thấy rằng, đây cũng là điểm hạn chế cho nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tăng cường triển khai và giải quyết kịp thời hơn những vấn đề tâm lý phát sinh của học sinh", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh trả lời các câu hỏi trên nghị trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh trả lời các câu hỏi trên nghị trường.

Cho rằng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh chưa đánh giá đúng mức về tác động của tâm sinh lý đến bạo lực học đường, đại biểu Đậu Khắc Gia Bảo (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng phân tích sâu hơn về nguyên nhân và đồng thời có giải pháp tương xứng.

Còn đại biểu Trần Nguyễn Nhật Linh (Vĩnh Phúc) thì nhìn nhận, nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường là do tác động tiêu cực của các sản phẩm độc hại trên không gian mạng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giả định Trần Lê Hà Vy cho biết đã thực hiện những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên.

Bộ trưởng TT&TT giả định
Bộ trưởng Bộ TT&TT giả định Trần Lê Hà Vy trả lời câu hỏi của đại biểu trẻ em.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT&TT giả định thừa nhận: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả cũng còn chưa đạt được như mong muốn ở một số nơi, một số đối tượng. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và bảo vệ người dùng, đặc biệt là học sinh, trẻ em trên không gian mạng, với mục tiêu giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ không gian mạng lên đời sống xã hội".

Phát biểu sau phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng những vấn đề được chất vấn tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em không phải giả định mà có thật, đang xảy ra trong cuộc sống.

Đánh giá cao những ý kiến chất vấn, phần trả lời chất vấn trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Chúng ta phải thống nhất, khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, không có chỗ cho tệ nạn, và những nguy cơ trước tác hại của thuốc lá, chất kích thích".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, các em đã hỏi, trả lời động chạm đến rất nhiều vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hiện nay vẫn còn tình trạng bạo lực học đường.

"Các trường học của chúng ta vẫn đang đổi mới, bầu không khí trong lành, tốt đẹp vẫn ngày ngày đang diễn ra. Để cho môi trường học đường được tốt đẹp, lành mạnh, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó, người lớn, bao gồm: phụ huynh, người đứng đầu trường học, cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo có lúc, có nơi chưa sát sao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên họp giả định
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".

"Nếu các gia đình không có bạo lực cũng sẽ góp phần hạn chế rất nhiều bạo lực học đường. Thực tế cho thấy một tỷ lệ rất lớn các em có hành vi bạo lực với bạn phần lớn là có đời sống gia đình không hạnh phúc. Việc chứng kiến bạo lực gia gia đình, bố mẹ không hạnh phúc khiến các em tổn hại về tâm sinh lý", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, các thầy, cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường hơn nữa các kỹ năng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bạo lực học đường cũng xuất hiện yếu tố phi truyền thống, với các biểu hiện: bắt nạt trực tuyến; khủng bố tâm lý, các nhóm học sinh nữ đánh bạn tập thể quay video clip đăng lên mạng. Đây là những hành động rất đáng lên án.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong tất cả các bên liên quan để đẩy lùi bạo lực học đường, bản thân các em học sinh đóng vai trò quan trọng nhất. Người cần phải làm nhiều việc nhất không ai khác chính là các em.

Đại biểu trẻ em mong muốn cấm thuốc lá điện tử

Nhiều đại biểu Quốc hội trẻ em đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An về nguyên nhân và giải pháp về tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng, có trường có cả trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử có chất kích thích và chất cấm.

Bộ trưởng Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An phát trả lời chất vấn tại nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An trả lời chất vấn tại nghị trường.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An khẳng định, phải khẳng định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng và thuốc lá nói chung hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ em. Cho nên việc sử dụng thuốc lá điện tử phổ biến trong học sinh là xu hướng không tốt, cần phải có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu.

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định đề nghị ngành giáo dục phối hợp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học; đề nghị gia đình có sự quan tâm sát sao tới con em mình, nhất là quản lý tiền bạc và thời gian rảnh rỗi của trẻ em trong độ tuổi học sinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cũng đề nghị các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong đó có việc kinh doanh các mặt hàng này ở cổng các trường phổ thông. Cùng với đó, đề nghị ngành công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về nhập lậu, buôn bán cho trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng cho trẻ em và cộng đồng xã hội.

Các đại biểu trẻ em bày tỏ ý kiến và đưa câu hỏi chất vấn trên nghị trường.
Các đại biểu Quốc hội trẻ em bày tỏ ý kiến và đưa câu hỏi chất vấn trên nghị trường.

Tranh luận với phần trả lời này, đại biểu Trần Mai Phương Nghi (Khánh Hòa) nói Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cần thông tin về tác hại nhưng thực tế tới nay Bộ chưa công bố chính thức về tác hại của loại sản phẩm này.

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cho biết, Bộ Y tế đã gửi các báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để trình bày về thực trạng và tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những kinh nghiệm quốc tế, cũng như đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo những sản phẩm này tại Việt Nam.

"Sau khi được Chính phủ thống nhất, Bộ Y tế sẽ chính thức công bố nội dung này", Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cho biết.

Cũng tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế giả định, đại biểu Trần Quốc Huy (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp của Bộ Y tế để ngăn chặn tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chứ không chỉ là giải pháp "phối hợp và đề nghị các bộ ngành thực hiện".

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An cho biết, ngoài các giải pháp đã trình bày, Bộ Y tế sẽ chủ trì, tham mưu Chính phủ rà soát, nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2025 nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, sẽ tập trung nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, chất kích thích tại địa phương dành cho trẻ em.

Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết rất vui khi phiên chất vấn tại Quốc hội trẻ em lần thứ II đã lựa chọn chủ đề rất thiết thực với trẻ em là phòng, chống tác hại thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

"Chủ đề các em lựa chọn là chủ đề rất nóng bỏng hiện nay. Điều này xuất phát từ lắng nghe từ chính các em học sinh, các trường học", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em cũng như chất lượng dân số, giống nòi. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, qua phiên họp giả định, càng khẳng định các đề xuất của Bộ Y tế trong việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đi đúng hướng khi có tới 78,27% các em tham gia khảo sát thống nhất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vui mừng khi Quốc hội trẻ em thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vui mừng khi Quốc hội trẻ em thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Sau khi đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội trẻ em và cả 306 đại biểu đều thống nhất với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: Điều này thể hiện mong muốn của của trẻ em và cần được các cơ quan nhà nước nghiên cứu một cách nghiêm túc.

"Làm chính sách dựa trên thực tiễn và hướng tới thế hệ tương lai", Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ đánh giá cao các nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức của Quốc hội trẻ em với vấn đề này khi các em không chỉ tìm hiểu tác hại mà còn đề xuất các giải pháp, mong muốn các bộ, ngành triển khai các giải pháp như vậy. Bộ trưởng Bộ Y tế nói sẽ tiếp thu các góp ý để hoàn thiện, tham mưu cơ chế chính sách quản lý trong thời gian tới.

"Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội khóa XV lắng nghe, tiếp thu ý kiến các em khi thông qua quyết sách giải quyết vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi. Quan trọng hơn là để chúng ta có thế hệ mầm non, thanh niên khỏe về thể chất và tâm hồn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước", Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em đối với các hoạt động chính trị, xã hội liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em. Tạo điều kiện để trẻ em được trau dồi tri thức, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình theo quy định của Luật Trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các bạn thiếu nhi phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức các vấn đề về trẻ em; được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội; định hướng cho trẻ em nuôi dưỡng những ước mơ, rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội.

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", diễn ra từ ngày 27 đến 29/9, các đại biểu thiếu nhi sẽ thảo luận 2 vấn đề lớn, gồm: “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”. 

 
 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bạo lực học đường, thuốc lá điện tử làm "nóng" nghị trường Quốc hội trẻ em tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác