Bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng để tránh lừa đảo, lợi dụng

Đức Trọng
Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp và buôn bán thông tin cá nhân đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng, kéo theo hệ lụy là các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn giả mạo ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh dữ liệu trở thành tài nguyên đặc biệt của kỷ nguyên số, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp thiết, nhằm thiết lập hành lang pháp lý vững chắc và bảo vệ quyền riêng tư của người dân.

Thông tin cá nhân bị khai thác tràn lan

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự dẫn dắt của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… khiến dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên có giá trị hàng đầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hành lang pháp lý hiện còn thiếu đồng bộ, khiến việc thu thập và khai thác dữ liệu cá nhân đang bị lạm dụng. Không ít doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí cả cá nhân, đã và đang thu thập dữ liệu mà không cần sự đồng thuận rõ ràng từ người dùng.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cảnh báo, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức đúng mức về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân. Họ sẵn sàng chia sẻ thông tin nhạy cảm lên mạng mà không lường trước được nguy cơ bị lợi dụng để trục lợi hoặc lừa đảo. Thực tế, các vụ việc lừa đảo qua mạng có xu hướng tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khai thác thông tin theo từng nhóm đối tượng cụ thể như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ...

Thiếu tá Đào Đức Triệu, đại diện Cục A05, cho biết: "Ngày càng có nhiều chủ thể xử lý dữ liệu cá nhân mà không thông báo hay được sự đồng ý từ người dùng, dẫn đến những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Một số dịch vụ mới xuất hiện khai thác dữ liệu cá nhân nhưng chưa chịu sự giám sát chặt chẽ".

Từ đầu những năm 2000, nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã ồ ạt vào thị trường Việt Nam, nhưng gần như không bị ràng buộc trách nhiệm về quản lý dữ liệu. Một số mô hình xử lý dữ liệu bị cấm ở nước ngoài lại vẫn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, gây ra lỗ hổng lớn về quyền riêng tư.

Cũng theo Thiếu tá Triệu, dữ liệu cá nhân của người Việt hiện bị rao bán công khai trên các nền tảng như Telegram, thậm chí được quảng cáo là “chính xác” và “có bảo hành”. Đây là dấu hiệu cho thấy việc thu thập dữ liệu đang diễn ra có hệ thống, có chủ đích và có lợi ích thương mại.

Báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho biết, có tới 66,24% người dùng xác nhận thông tin cá nhân từng bị sử dụng trái phép. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ lại càng phơi bày rõ hơn những khoảng trống trong pháp luật về giám sát và bảo vệ thông tin cá nhân. Đáng lưu ý, phần lớn các khiếu kiện liên quan đến vi phạm dữ liệu cá nhân mà A05 tiếp nhận trong 2 năm qua lại đến từ người nước ngoài, cho thấy nhận thức của người Việt về quyền bảo vệ dữ liệu vẫn còn rất thấp.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bảo đảm phát triển bền vững xã hội số

Hiện nay, hơn 140 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống văn bản rải rác, thiếu đồng nhất, gây khó khăn trong việc thi hành và giám sát.

Sự ra đời của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một bước tiến quan trọng, nhưng vẫn cần một bộ luật ở tầm cao hơn, có tính nền tảng và đồng bộ, để thể chế hóa rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập còn tồn tại, mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ trong môi trường số mà cả trong môi trường truyền thống.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Thu Nga - Phó Ban pháp chế Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - cho biết, với quy mô hơn 75 đơn vị phụ thuộc và 15 công ty thành viên, việc luật hóa quy định về dữ liệu cá nhân có thể tác động sâu rộng đến hoạt động của doanh nghiệp. Viettel đề xuất bổ sung cơ chế ngăn chặn lạm dụng quyền dữ liệu, cho phép thỏa thuận thời gian phản hồi yêu cầu từ chủ thể dữ liệu, thu phí hợp lý, từ chối yêu cầu vô lý và quy định rõ ràng dữ liệu cá nhân không được mua bán nếu không có sự đồng ý của người dùng. Đồng thời, doanh nghiệp nên được quyền lựa chọn biện pháp kỹ thuật phù hợp để mã hóa dữ liệu, theo thông lệ quốc tế.

Theo Thiếu tá Đào Đức Triệu, quan điểm cốt lõi khi xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là để "lành mạnh hóa quyền cá nhân trên không gian số", qua đó phục vụ sự phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia. Từ khi Nghị định 13 được ban hành, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động thay đổi cách thức xử lý dữ liệu để phù hợp với quy định mới, chứng tỏ tác động tích cực của hành lang pháp lý trong bảo vệ người dùng.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng để tránh lừa đảo, lợi dụng tại chuyên mục Sành của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sành khác

Hà Nội đẩy mạnh sử dụng VNeID trong cải cách hành chính

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1850/UBND-NC về việc triển khai một số nội dung trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính.

Mỹ đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy từ mẫu giáo

Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giáo dục từ bậc mẫu giáo đến lớp 12, nhằm xây dựng lực lượng lao động có khả năng làm chủ và phát triển công nghệ này.

Giải pháp lớp học thông minh và thư viện số

Ngày 26/4, Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Nexta phối hợp cùng EdTech Agency đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề "Tăng tốc chuyển đổi số – Giải pháp lớp học thông minh và thư viện số".