Bếp của chị em mình!

Chu Hải
TNTP - Tuổi thơ hai chị em tôi thường quanh quẩn nơi bên căn bếp ở ngay hông nhà. Căn bếp nhỏ tới mức nhìn từ xa, chỉ thấy cái mái “bờ lô” xám đen lúp xúp dưới tán cây bòng già.

Khói bung tỏa từ chái bếp ấy thì lan tới cả khoảng rộng mênh mông trên bầu trời. Ngồi xe trâu đi trên con dốc đầu xóm, chị em tôi có thể thấy được cả mảng tường gạch lỗ chỗ mảng vữa rơi và cánh cửa bếp mở ra hắt lên ngọn lửa nhỏ tí xíu...

Nơi chị em nấu nướng…

Khói bếp bữa sáng chưa nguội thì chị em tôi đã lui cui chuẩn bị nấu bữa trưa. Chỉ là canh cua đồng, hến mồng tơi hay tép rim lá chanh… cũng đủ để hai đứa lúi húi trong bếp suốt cả buổi. Bếp chật, đứa đứng, đứa ngồi cũng va vào nhau, cái ống tre thổi bếp đen nhẻm than củi, tôi thổi bếp xong thì em tôi cười khanh khách vì chị tự “vẽ râu” trên mặt mình. Bữa nào nấu cơm mà hai đứa ham chơi ô ăn quan kẻ vạch bên hiên bếp là y rằng, nước cơm sôi trào ra tắt lửa. Rồi tôi lại cúi xuống thổi bếp mồ hôi như tắm, em lại đứng cạnh cầm quạt nan quạt mát cho tôi. Cứ thế, hai chị em tôi đã nấu bao bữa cơm dẻo, canh ngọt cho ba mẹ đi làm đồng về được nghỉ ngơi và đón nhận tấm lòng thơm thảo từ các con.

Kho đựng đồ…

Căn bếp ấy nhỏ nhưng sức chứa của nó thì... vô kể. Một chạn bát có bốn chân kê vào bốn cái bát con nước để tránh kiến bò vào thức ăn. Một gác bếp có một khoảng đủ để khi chị em tôi ngồi thổi bếp mà đứng lên thì không bị cụng đầu. Nóc bếp đen kịt. Mấy chùm hành treo lơ lửng cũng nhọ nhem. Thúng, mủng, dần, sàng… mẹ tôi cũng đặt lên gác bếp. Gác hẹp, cố gắng lắm nhưng chị em tôi vẫn dọn được một khoảnh nho nhỏ, gọi là cái dàn “sấy quả”. Mùa nào thức nấy: vải, nhãn, mơ, mít... chị em tôi luôn để dành sấy lên cho những ngày ăn dè và nhâm nhi dần trong niềm vui sướng khi được chia quà cho tụi bạn.

Một lần bố tôi bảo, cái chạn ấy bằng tuổi tôi đấy. Vậy là nhóc em hỏi liền: “Nó cũng là chị của con ạ?” khiến cả nhà bật cười!

Nhớ những chiều mưa

Trời mưa, chạy đồng về, nơi đầu tiên tôi chạy nhào vào là bếp. Em tôi cời đám than và khom lưng thổi lửa cho tôi sưởi ấm. Có bữa em còn dành cho tôi củ khoai lang nướng em mót ngoài ruộng, hơi cháy nhưng tôi ăn ngon lành. Lũ bạn cùng xóm hay rủ tôi tan học đi bắt châu chấu giúp chúng nó nuôi chim non. La cà với chúng bạn, lúc tôi về thấy em một mình khuân củi từ góc vườn vào bếp khi trời chiều ráng mỡ gà. Khúc củi to em thì bé như cái kẹo. Mắt tôi cứ cay cay dù bếp đã tắt khói rồi.

Hai chị em tôi dần lớn lên. Ngôi nhà có căn bếp rộng rãi đủ tiện nghi: tủ lạnh, máy hút bụi, bếp ga,.. Nhưng lúc thủ thỉ tâm sự với nhau, hóa ra hai chị em vẫn có chung một giấc mơ: được quay ngược thời gian về căn bếp nhỏ xưa. Chái bếp ấy là linh hồn của ngôi nhà, là linh hồn tuổi thơ của chị em tôi đấy bạn ạ!

Xuân Chinh

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bếp của chị em mình! tại chuyên mục Điều Em Muốn Nói của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Tớ yêu Tết vì...

Tớ rất yêu Tết! Tớ yêu Tết không phải chỉ vì được mặc quần áo đẹp, ăn nhiều món ngon, ...

Bài Điều Em Muốn Nói khác

Công trình Măng non "đặc biệt" của đội viên TP. Phú Quốc

Hội đồng Đội TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sẽ trao tặng 2 Công trình Măng Non “Trang bị thiết bị hoạt động Đội cho Liên Đội” trong năm học 2023 – 2024 cho các Liên đội. Đây là chương trình ý nghĩa do học sinh toàn thành phố chung tay thực hiện.

Món bánh không thể thiếu vào đêm Giáng sinh

Chắc hẳn các bạn nhỏ chúng mình đã từng ít nhất một lần nhìn thấy trong một bộ phim hoặc truyện về đêm Giáng sinh có một loại bánh quy hình người với họa tiết bắt mắt được trang trí trên đó. Hôm nay, báo Đội xin giới thiệu cho các bạn một món bánh đặc trưng và “không thể thiếu” vào đêm Giáng sinh ở một số quốc gia châu Âu nha!

Tuyển Tập Những Khoảnh Khắc "Ngày Ấy - Bây Giờ"

Thời gian dường như thay đổi mọi thứ; năm tháng trôi qua biến con người, phong cảnh thành những phiên bản khác nhau ở mỗi thời đại. Và chỉ ngắm nhìn những bức ảnh so sánh quá khứ và hiện tại thì chúng ta mới nhận thấy rõ sự thay đổi đó.