Thực ra, lỗi một phần là tại người lớn. Bà và mẹ cứ hay dọa: “Nếu không ăn thì phải đi bác sĩ!”, “Nếu không ngoan thì bị sẽ bị tiêm!”. Vì thế, bố cần phải giải thích để các con khỏi bị nhầm lẫn.
Bác sĩ không phải là người phạt trẻ con
Con nhìn này, bác sĩ có gì nhỉ? - Ống nghe, kim tiêm…
Ống nghe để lắng nghe tim, phổi của con, xem chúng hoạt động có ổn không. Ống nghe làm âm thanh to và rõ hơn. Tiếng đập của tim, tiếng không khí rít qua phổi cũng rõ hơn. Còn kim tiêm là để đưa thuốc vào người nhanh hơn, mỗi khi ai đó ốm nặng.
Con nhớ đợt bị đau răng, mẹ đưa con đến gặp ai? À, bác sĩ răng (còn gọi là bác sĩ nha khoa). Bác sĩ bảo con há miệng, rọi đèn vào răng con, tìm thấy một lỗ sâu. Bác xịt thuốc tê giúp con đỡ đau. Rồi bác trám răng cho con. Chỉ ít ngày sau, con lại ăn uống được bình thường. Đó là nhờ ai nhỉ?
Công việc của bác sĩ rất căng thẳng
Công việc của bác sĩ là tìm ra nguyên nhân cái đau, cái sốt ở đâu. Cũng như một người thợ sửa xe phải tìm ra nguyên nhân xe hỏng. Muốn thế, họ đều phải khám, làm những động tác cần thiết, giống như người thợ tháo vỏ xe để nhìn kỹ bên trong…
Khi đã tìm ra chỗ nào “hỏng hóc” trong người chúng ta, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Các bác sĩ biết rõ, khi viêm họng thì uống thuốc gì, khi đau bụng thì làm gì để hết đau. Chỉ các bác sĩ mới phân biệt được đau bụng vì giun hay viêm ruột thừa. Họ là người giúp mình, cứu mình. Các bác sĩ là bạn của mình, con ạ!
Có đôi khi mình gặp phải một bác sĩ không hiền dịu. Bác sĩ không hỏi han nhẹ nhàng mà còn mắng nếu con ngọ nguậy hoặc gào khóc ầm ĩ. Không phải là bác sĩ ghét mình đâu. Chẳng qua, đôi lúc có quá nhiều bạn bị ốm, bác sĩ làm việc nhiều, căng thẳng quá nên mất bình tĩnh. Con nên thông cảm với các bác sĩ. Và con hãy nhớ rằng, nếu mình thực hiện đúng, nhanh gọn những yêu cầu của bác sĩ thì bác sĩ sẽ khám bệnh cho con kỹ hơn, chẩn đoán, phát hiện chính xác hơn.
Bí kíp để không sợ bác sĩ
- Nếu bác sĩ khám họng, con phải há miệng thật to và kêu “a a…”.
- Nếu bác sĩ khám tim, phổi, con hãy nghe mệnh lệnh: “Thở đều, hít sâu, thở ra…” để làm cho đúng.
- Nếu phải tiêm thì hãy: Hít một hơi thật sâu. Mắt đừng nhìn vào kim tiêm mà có thể nhìn ra cửa sổ. Nghĩ đến một chuyện vui vui. Nếu thấy đau, con có thể rên lên một tiếng thật nhẹ. Nhưng tốt nhất là hãy đếm thầm từ 1 đến 10.
- Nếu mình bị ốm, mình sẽ là một bệnh nhân BÌNH TĨNH và DŨNG CẢM. Thêm nữa, là một BỆNH NHÂN GIỎI, có nghĩa là sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ. Con hãy kể hết cho bác sĩ tất cả mọi cảm giác của con: Đau ở đâu, đau thế nào, quay người bên nào đau hơn… Đó là những “tài liệu” cực kỳ quan trọng cho bác sĩ trong việc chữa bệnh đấy, con ạ.
Chơi cùng bố
1. Khi bác sĩ khám họng cho con, bác sĩ thường bảo con nói “A…” và há miệng to. Giờ bố con mình thi xem ai “A... a” lâu hơn nhé.
Bây giờ bố là nhạc trưởng, con là ca sĩ. Khi bố giơ hai tay lên cao thì con “A... a” to, hạ xuống thì con “A... a” nhỏ lại. Sau đó đổi vai, con là nhạc trưởng, bố là ca sĩ.
2. Con hãy gọi tên các dụng cụ của bác sĩ và y tá theo những hình vẽ bên phải nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Cún bông chăm học, số 34 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Cún bông chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |