Nhiệt độ khắc nghiệt chỉ là chuyện nhỏ
Gấu nước sống ở nhiều môi trường khác nhau, từ hồ nước ngọt đến đại dương, từ núi cao đến thung lũng và thậm chí chúng còn có thể được tìm thấy ở các vùng cực. Mặc dù vô cùng bé nhỏ, thường chỉ dài khoảng 0,5 mm nhưng chúng thể hiện khả năng sống sót đáng kinh ngạc trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt nhất.
Trong môi trường cực lạnh, gấu nước có thể chịu được nhiệt độ - 272 độ C. Cơ thể của chúng chứa một loại protein đặc biệt giúp ngăn chặn tế bào bị đóng băng và tự phân hủy. Khi nhiệt độ giảm xuống, gấu nước điều chỉnh tốc độ trao đổi chất để duy trì hoạt động và bảo vệ tế bào khỏi bị phá hủy bởi các tinh thể băng.
Không chỉ vậy, gấu nước còn có thể tồn tại trong môi trường cực kỳ nóng. Chúng chịu được nhiệt độ lên tới 150 độ C. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, chúng sẽ chuyển sang trạng thái không hoạt động, cuộn tròn, giảm hoạt động trao đổi chất và tránh bị hư hại do nhiệt độ cao.
Trạng thái không hoạt động này có thể kéo dài vài năm. Khi nhiệt độ môi trường giảm xuống, gấu nước sẽ hồi sinh và tiếp tục các hoạt động sinh lý bình thường.
“Chấp” cả bức xạ và áp suất cao
Gấu nước có thể tồn tại cả trong môi trường chân không, dưới áp suất cao hơn 1.200 lần so với áp suất khí quyển và chịu được bức xạ gấp 1.000 lần so với các loài động vật khác. Cơ chế tự sửa chữa DNA của gấu nước chính là chìa khóa để chúng có được “siêu năng lực” này.
Khi các phân tử DNA của gấu nước bị phá hủy bởi tia cực tím hoặc bức xạ khác, chúng có thể ngăn ngừa tổn hại bằng cách lắp ráp và sửa chữa lại các chuỗi DNA. Cơ chế tự sửa chữa này cho phép gấu nước sống sót sau khi tiếp xúc với lượng lớn bức xạ và có thể truyền gen sửa chữa cho các thế hệ tương lai, đảm bảo sự tồn tại liên tục của quần thể.
“Vi vu” vào không gian vũ trụ
Nhờ khả năng sống sót thần kỳ trong mọi điều kiện môi trường, gấu nước trở thành đối tượng thử nghiệm đáng tin cậy trong không gian. Năm 2021, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng 5.000 con gấu nước vào không gian trong nhiệm vụ tái cung cấp vật tư cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Khi trở lại Trái Đất, khoảng 68% cá thể gấu nước đã sống lại khi được bù nước. Dường như bức xạ và môi trường thiếu trọng lực không mấy ảnh hưởng đến sinh vật này. Do đó, chúng được coi là lựa chọn số một trong các nghiên cứu được thực hiện ngoài vũ trụ trong tương lai.
Những điều thú vị về gấu nước: - Gấu nước là loài động vật siêu nhỏ với cơ thể dài, đầy đặn, đầu nhọn và có 8 chân. - Chúng có thể nhịn ăn đến vài thập kỉ. - Có khoảng 1.300 loài gấu nước được phát hiện trên Trái Đất. - Gấu nước có thể lột xác tới 12 lần trong đời. - Từng có giả thuyết cho rằng, gấu nước đến từ hành tinh khác và chúng đến Trái Đất trên bề mặt các thiên thạch. |
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |