Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương: "Phân bổ nguồn lực kịp thời đến các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3"

TP
Chiều 11/9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức cuộc làm việc với các tỉnh, thành đoàn nhằm nắm bắt tình hình bão lũ ảnh hưởng đến địa phương, dưới sự chủ trì của Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.

Nhiều trường học bị hư hại, ảnh hưởng học sinh quay trở lại trường

Tại cuộc làm việc, anh Nguyễn Ngọc Lương đề nghị các tỉnh, thành đoàn báo cáo nhanh những thiệt hại do bão lũ gây ra. Đồng thời, nêu ra hướng khắc phục, đề nghị hỗ trợ trong thời gian tới.

Với tỉnh Điện Biên , anh Đặng Thành Huy - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, địa phương ít chiụ ảnh hưởng hơn các tỉnh khác, thành phố khác. Theo thống kê, có 40 ngôi nhà bị hư hại; 182ha lúa và hoa màu bị ngập; về công trình xây dựng và đường xá có 18 tuyến đường sạt lở, 1 điểm trường bị thiệt hại, 2 tuyến kênh thuỷ nông cần khắc phục.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc họp với đại diện các tỉnh, thành đoàn chịu ảnh hưởng của bão Yagi.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc làm việc với đại diện các tỉnh, thành đoàn chịu ảnh hưởng của bão Yagi.

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Đoàn, tỉnh đoàn Điện Biên thường xuyên nắm tình hình, di dời bà con nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Các đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó khẩn cấp, sẵn sàng hỗ trợ người dân. Sáng 10/9, Tỉnh đoàn đã tổ chức phát động ủng hộ nhân dân chịu ảnh hưởng của bão lũ. Đồng thời, tỉnh Điện Biên xin nhường các nguồn lực cho các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại nặng hơn.

Anh Nguyễn Duy Tư - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoà Bình thống kê, địa phương có 5 người chết, trong đó có 4 người trong một gia đình xã Tân Minh, huyện Đà Bắc. "Hoà Bình có 1.760 hộ dân phải sơ tán. Về thiệt hại có: 955 nhà bị ảnh hưởng, tốc mái, hư hỏng; 6,7ha lúa, hoa màu; 220 điểm sụt lún; 16 điểm trường; nhiều nơi có nguy cơ sạt lở", anh Tư nói.

Cuộc họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Cuộc làm việc diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Tỉnh đoàn Hoà Bình đề nghị T.Ư Đoàn quan tâm, hỗ trợ nguồn lực xây nhà cho gia đình của 4 nạn nhân tử vong; các nguồn lực nhu yếu phẩm, áo phao, đặc biệt là các bạn học sinh. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn cùng các ban, ngành của địa phương tiếp tục vận động nguồn lực xã hội hoá để giúp đỡ người dân.

Với tỉnh Lạng Sơn, Đến 4h chiều hôm qua, địa phương thiệt hại khoảng 560 tỷ đồng. Hiện người dân đang thiếu thực phẩm, nước uống. Đặc biệt, các bạn học sinh thiếu sách vở, đồ dùng học tập để bước vào năm học mới.

Đại diện Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết, địa phương may mắn không có trường hợp tử vong, có 3 trường hợp bị thương trong bão lũ. Tỉnh Bắc Kạn thiệt hại trên 1.700 nhà, trong đó 1.200 nhà bị tốc mái và bị hư hại do sạt lở; 336 nhà tại chợ đồn và ba bể bị ngập; thiệt hại về nông nghiệp 2.000ha; nhiều tuyến đường cây đổ, sạt lở đất đá, chưa ước tính được; nhiều trường học tốc mái, sạt lở; ngập nước 19 điểm trường; 15 cầu dân sinh, cầu tạm bị hỏng.

Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân di dời, sửa chữa nhà ở. Còn 2 xã bị ngập rất nhiều. Tỉnh đoàn kêu gọi hỗ trợ, tiếp tế cho người dân. Tuy nhiên, quá trình cứu trợ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu xuồng, cano, phải dùng mảng tre thay thế. Ngoài ra, Tỉnh đoàn phối hợp với quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân.

Các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục kêu gọi hỗ trợ cho người dân trên địa bàn, chú ý các vấn đề sau bão, phòng chống dịch bệnh. Tỉnh đoàn đề nghị T.Ư Đoàn và các đơn vị được hỗ trợ nhu yếu phẩm, gạo thuốc men chăn màn, đèn pin; hỗ trợ đồng hành sửa chữa mái nhà và phòng học bị ảnh hưởng; sách giáo khoa, cặp sách cho học sinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng có 52 người chết và mất tích, huyện Nguyên Bình bị ảnh hưởng nặng nhất với 17 người tử vong, trong đó có 3 người đang trong độ tuổi thanh, thiếu nhi. Về cơ sở vật chất, có 663 nhà bị thiệt hại, 15 nhà sập đổ hoàn toàn. Trong đó, Trạm y tế xã Tam Kim cùng 10 điểm trường bị sạt lở vùi lấp 1 phần công trình; 500ha lúa, hoa màu bị mất trắng; sạt lở trên diện rộng nên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cứu nạn. 

Các đội hình thanh niên xung kích của tỉnh Cao Bằng đã giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của bão theo phương châm "4 tại chỗ". Đoàn viên, thanh niên có kỹ năng bơi lội, sử dụng thuyền bè tiếp cận các khu vực bị ngập, cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân. Một số khu vực nước rút, đoàn viên, thanh niên tập trung hỗ trợ vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Hiện có 3 xe nhu yếu phẩm về đến Cao Bằng, do liên quan đến sạt lở nên chưa tiếp cận được các huyện, xã, đoàn viên đã hỗ trợ bốc rỡ để chuyển đến người dân. Cơ bản nhu yếu phẩm đã vận động đầy đủ, Tỉnh đoàn Cao Bằng đề xuất các nhu yếu phẩm, gồm: 200 áo phao cho vùng có nguy cơ ngập cao, ca nô hoặc xuồng để vận chuyển nhu yếu phẩm; đề xuất thêm thuốc cảm cúm, hạ sốt, sát trùng, tiêu chảy; cần hỗ trợ đèn pin, ủng, áo mưa, đèn dầu để đảm bảo thắp sáng; chăn màn, bột giặt, kem đánh răng; nước sạch, đồ đóng hộp; hỗ trợ tiền mặt để khắc phục trạm y tế, trường học bị ảnh hưởng và mua đồ dùng học tập cho học sinh.

Anh Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết, tính đến 19h ngày 10/9, địa phương có 127 người gặp nạn trong bão lũ. Trong đó, 45 người chết, 21 mất tích, 61 bị thương. Toàn tỉnh có 4.862 nhà bị hỏng, nước cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt nên việc tiếp cận các huyện khó khăn; 1.307ha ngô và hoa màu bị ảnh hưởng; 2015 tuyến đường cấp xã bị sạt lở; Bát Xát, Lào Cai, Mường Khương bị ngập trong nước; 20 công trình thuỷ lợi bị hỏng.

Tỉnh đoàn Lào Cai đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trực thuộc tổ chức trên 70 đội hình tình nguyện, vận chuyển nguồn lực đến người dân. Đoàn viên, thanh niên sử dụng xe máy, thậm chí đi bộ để vận chuyển đồ tiếp tế đến người dân. Si Ma Cai, Bắc Hà bị chia cắt, phải vận chuyển đồ đến huyện Mường Khương, sau đó tiếp tục vượt núi tiếp tế cho 2 huyện này.

Tỉnh đoàn Lào Cai đề xuất hỗ trợ về thực phẩm lương như lương khô, sữa, mì tôm; 1.000 đèn pin và bộ bếp ga mini; tiền mặt để bà con nhân dân ổn định cuộc sống; lực lượng mỏng nên vận chuyển tiếp tế gặp nhiều khó khăn, rất cần thêm người hỗ trợ.

Chị Dương Minh Nguyệt - Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho hay, có 6/7 huyện, thành phố ngập nước, có nhiều điểm ngập từ 5m đến 8m. Tuy nước có rút nhưng mưa vẫn tiếp tục trong ngày. Bên cạnh đó, có thông tin Châu Văn Sơn xả nước trên đập Ma Lu Thàng trên thượng nguồn sông Lô. Do đó, có thể mực nước nhanh gây ảnh hưởng đến 2 huyện Hàm Yên, Sơn Dương.

TP. Tuyên Quang ngập trong nước vào sáng 11/9.
TP. Tuyên Quang ngập trong nước vào sáng 11/9.

Ngày 10/9, đê ở xã Quyết Thắng, Sơn Dương vỡ khoảng 30m. Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động đưa người dân bị ảnh hưởng, có nguy cơ ngập úng cao. "Chưa khi nào toàn tỉnh Tuyên Quang ngập sâu ở mức độ như thế này. Do ngập sâu nên hiện tại, chúng tôi chưa thống kê được thiệt hại", chị Nguyệt nói.

Hiện nay, nhiều đội thanh niên tình nguyện chưa tiếp cận được nhiều vùng chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Tuyên Quang mong muốn được hỗ trợ nguồn lực như nhu yếu phẩm, xuồng và ca nô cứu hộ.

Hiện nay, nước sông Cầu khu vực TP. Thái Nguyên đang rút, tuy nhiên một số khu vực dân cư thuộc phường Quang Vinh, Đồng Tâm, Túc Duyên, Cao Ngạn vẫn bị ngập úng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn; tuyến đường nội thị nước vẫn ngập một số tuyến. Mực nước sông Cầu tại huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên đang lên, gây ngập lụt cho một số tuyến đường dân sinh các xã ven sông của huyện Phú Bình, khu dân Soi Cốc phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên.

Theo số liệu rà soát, tính đến 7h ngày 11/9/2024, sơ bộ thiệt hại tại tỉnh Thái Nguyên như sau: 3.063 hộ phải di dời khẩn cấp; 323 nhà bị tốc mái; 25 điểm trường bị ảnh hưởng; 7.332,42 ha lúa và hoa màu; 415 ha cây rừng; 117 điểm sạt lở; 1.606,4 ha nuôi cá bị ngập,... Ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản gần 196 tỷ đồng.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh chia sẻ, Phát huy lực lượng tại chỗ ngay sau khi cơn bão đi qua, tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, suốt nhiều ngày qua 13.000 thanh niên tình nguyện tại 30 quận huyện thị xã khẩn trương cưa, cắt cành, xử lý hậu quả của cây xanh đổ, gãy; thu dọn để hạn chế ùn tắc, vệ sinh môi trường, dọn dẹp cành cây, rác thải, cứu lúa, dọn dẹp trường học, công sở, vận chuyển đồ đạc, thông các tuyến đường trên các địa bàn để người dân thuận tiện đi lại.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh thông tin về các hoạt động hỗ trợ người dân trong bão, lũ của tuổi trẻ Thủ đô.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh thông tin về các hoạt động hỗ trợ người dân trong bão, lũ của tuổi trẻ Thủ đô.

Các ngày từ 8 đến 11/9/2024, Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội đã huy động 100 xe bán tải của Câu lạc bộ Bán tải địa hình (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố) và 20 xuồng hơi cứu hộ hỗ trợ huyện Thường Tín, Sóc Sơn di chuyển người dân; hỗ trợ huyện Đông Anh vận chuyển quân nhân dự bị tham gia cứu hộ trên địa bàn. Ngoài ra, Thành đoàn đã đã huy động 50 xe bán tải và 30 xuồng đi hỗ trợ lũ lụt tại Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai; huy động 15 xe bán tải hỗ trợ Ban Chỉ Huy Quân sự tỉnh Lào Cai vận chuyển 200 bộ đội vào chi viện cho huyện Bảo Yên; hỗ trợ vận chuyển 16 chuyến hàng với 270 xe bán tải chở đồ hỗ trợ Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng; hỗ trợ 400 phao và áo phao cho nhân dân các tỉnh.

Thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; kêu gọi, quyên góp nguồn lực để hỗ trợ Hà Nội vs các tỉnh; chuẩn bị lực lượng phản ứng nhanh (1000 sinh viên nam) hỗ trợ các địa phương Hà Nội khi cần; chuẩn bị sẵn 40 xuồng và 100 xe bán tải hỗ trợ cứu hộ tại Thủ đô.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, tỉnh Phú Thọ gặp nhiều thiệt hại, cụ thể: 1 người chết, 9 người mất tích (huyện Hạ Hòa 1 người, 8 người do sập cầu Phong Châu), 5 người bị thương; 280 nhà bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất tại huyện Đoan Hùng; 20 trường học bị tốc mái, hư hỏng; thiệt hại về cây cối, hoa màu, cây lúa là hơn 5.000ha,...

Cầu Phong Châu sập do ảnh hưởng của bão Yagi.
Cầu Phong Châu sập do ảnh hưởng của bão Yagi.

"Tỉnh Phú Thọ cần hỗ trợ nhu yếu phẩm và phòng chống bão, lũ đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng, gồm: thực phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày, nước uống, thuốc y tế, áo phao, đèn pin, áo mưa, ủng, găng tay cao su, xuồng tại các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tân Sơn, Thanh Ba; hỗ trợ nguồn lực sửa chữa, xây mới các công trình bị hư hỏng, ảnh hưởng do bão lũ; hỗ trợ sửa chữa và mua sắm các cơ sở vật chất của các trường học bị bị tốc mái, hư hỏng; hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho những gia đình khó khăn sau thiên tai", chị Đinh Thị Tuyết Mai - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ đề nghị.

Hỗ trợ các địa phương ngay khi có nguồn lực

Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Ngọc Lương bày tỏ sự chia sẻ, lời chia buồn sâu sắc với các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ. “Ban Bí thư T.Ư Đoàn luôn đau đáu, lắng nghe và hướng về cơ sở, về bà con vùng bão, lũ”, anh Lương bày tỏ. Bí thư T.Ư Đoàn biểu dương các Tỉnh, Thành Đoàn đã chủ động xung kích tham gia bằng nhiều công việc cụ thể một cách hiệu quả vào công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các Tỉnh, Thành Đoàn, anh Lương cho biết T.Ư Đoàn sẽ nhanh chóng phân bổ ngay khi có nguồn lực, hỗ trợ kịp thời đến các địa phương, góp phần đưa giúp bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, T.Ư Đoàn đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo liên quan đến việc phòng chống bão, lũ, có những định hướng rất rõ. Ngày 10/9, T.Ư Đoàn cũng phát động tuổi trẻ cả nước tham gia ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Một số đơn vị đã chủ động bước đầu như Hội đồng Đội T.Ư, Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ đã kêu gọi ủng hộ, tiếp nhận và vận chuyển nhu yếu phẩm tiếp sức người dân.

T.Ư Đoàn phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
T.Ư Đoàn phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh, thành Đoàn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo T.Ư, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cũng như tinh thần 2 văn bản chỉ đạo của T.Ư Đoàn để tham gia một cách tích cực, vừa đảm bảo tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên, vừa đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, yếu tố an toàn phải đặt lên trên hết.

Bên cạnh đó, phải nắm chắc tình hình, diễn biến để kịp thời phổ biến, cảnh báo các nguy cơ, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Cùng đó, duy trì tốt đội thanh niên tình nguyện, thăm hỏi, chia sẻ động viên, di dời hiện vật. Đối với việc tiếp nhận các nguồn lực, anh Lương lưu ý, các đơn vị cần công khai, minh bạch, đảm bảo đầy đủ các thủ tục, bảo quản nguồn và phân chia nguồn lực kịp thời, đến đúng nơi đang cần.

Anh Nguyễn Ngọc Lương cũng đề nghị các Tỉnh, Thành Đoàn thường xuyên cập nhật tình hình, nắm chắc địa bàn, khu vực, đối tượng mình phục trách. Đồng thời, khảo sát chính xác nhu cầu cấp bách, cũng như lâu dài của địa phương.

"Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các đội hình xung kích về hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Vì vậy, cần bố trí nơi ăn ở, chia đội hình để bắt tay vào công việc ngay để có sức lan tỏa, đảm bảo an toàn và hiệu quả", anh Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Báo TNTP&NĐ kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng do siêu bão số 3 (YAGI) gây ra

Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào", Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng kêu gọi bạn đọc, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ, chia sẻ khó khăn với trẻ em và học sinh các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do siêu bão số 3 (YAGI) gây ra.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương: Cần phân bổ đều nguồn lực hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của bão số 3

Chiều 12/9, anh Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc nhằm nắm bắt thông tin nguồn lực, và định hướng, triển khai phương án hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.