Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn bộ sách giáo khoa

Bộ đề xuất hai phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa để chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng không thực hiện được.

Báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện lời hứa chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin về quá trình viết sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội và kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021; lớp 2, 6 từ năm học 2021-2022; lớp 3, 7 và 10 từ 2022-2023; lớp 4, 8 và 11 từ 2023-2024; lớp 5, 9 và 12 từ năm học 2024-2025.

Bộ đề xuất phương án 1 giao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành sách giáo khoa; phương án 2 tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới.

Vì vậy, ngày 5/3 Bộ đã báo cáo Thủ tướng thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Theo đó, Bộ đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết tác giả sách giáo khoa đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Các biên tập viên sách giáo khoa có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa không sử dụng ngân sách; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học", Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Để đảm bảo lộ trình đổi mới, Bộ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thông báo rộng rãi để khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký với nhà xuất bản theo quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, gửi bản mẫu sách giáo khoa về Bộ để được thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng.

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ thẩm định bản mẫu sách giáo khoa của các nhà xuất bản gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi thẩm định, Bộ chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa, bảo đảm có ít nhất một bộ sách giáo khoa đầy đủ môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng.

Đối với sách giáo khoa lớp 1, thời gian bắt đầu tổ chức thẩm định từ tháng 6; tiếp tục chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12, kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021.

Ông Nhạ cho biết, Bộ cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền.

Theo Vnexpress

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn bộ sách giáo khoa tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Lịch nghỉ của học sinh dịp lễ 30/4 và 1/5

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do đó người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Theo đó, lịch nghỉ và học bù của học sinh cũng sẽ được điều chỉnh.

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.