Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tổ chức buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng các giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và các trường đại học. Trước đó, ngay từ khi nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng, nhà giáo Nguyễn Kim Sơn đã có thư bày tỏ tâm sự gửi các nhà giáo, với mong muốn được gặp gỡ, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của toàn thể nhà giáo trên mọi miền đất nước. Vì nhiều lý do khác nhau mà đến hôm nay, buổi gặp gỡ mới được thực hiện.
Trải lòng trước buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm xúc hồi hộp, căng thẳng trong lần đầu tiên hội ngộ hàng triệu giáo viên trên cả nước. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây không phải cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các vụ cục với toàn thể nhà giáo. Gặp gỡ, trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.”

Có thể nói, sự kiện là nơi để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đồng thời, đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngành giáo dục và đào đang triển khai những việc rất lớn và rất khó tựa như “dời non lấp bể”. Thế nhưng, việc càng khó, càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.
Tâm tư, nguyện vọng được bày tỏ
Theo thầy Nguyễn Ngọc Ân, chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trước cuộc gặp gỡ đã có trên 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường,…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới...
Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã giải đáp một số nhóm vấn đề chính được đưa ra nhiều nhất.

Tăng phụ cấp ưu đãi cho cấp mầm non và tiểu học
Trong số 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến, có tới 2.000 câu hỏi liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp của nhà giáo, mong muốn Bộ trưởng quan tâm đến chế độ đãi ngộ với nhà giáo, nhất là giáo viên đang làm việc ở các vùng sâu, vùng xa.
Nhiều ý kiến giáo viên cho biết mức lương thấp, giáo viên không đủ sống bằng nghề nên phải làm thêm việc bên ngoài dẫn tới việc khó toàn tâm toàn ý với nghề. Nhiều giáo viên đã bỏ nghề và có thể tình trạng này sẽ gia tăng nếu chế độ lương không được cải thiện. Nhiều ý kiến khác của giáo viên liên quan tới những bất hợp lý trong quy định thăng hạng giáo viên, các quy định trong chuyên môn liên quan tới quyền lợi giáo viên.
Trao đổi lại với những ý kiến đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết lãnh đạo Bộ GD&ĐT thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các nhà giáo. Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo thời gian qua cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chính sách cho giáo viên mầm non. Theo Bộ trưởng, bước đầu Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng cho biết thêm, việc tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học được triển khai trước đối với mầm non, tiểu học, sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
Khả năng cao sẽ điều chỉnh các môn tích hợp ở cấp THCS
Một vấn đề khác được nhiều giáo viên trung học chia sẻ trong buổi gặp gỡ chính là việc dạy các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý như trước đây. Thay vào đó, các bạn học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn.
Cô Hoàng Hải Vân, giáo viên trường THCS Võ Thị Sáu (tỉnh Khánh Hoà) cho hay việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý còn bất cập khi giáo viên chỉ được đào tạo để dạy từng môn. Qua đó, cô mong được Bộ GD &ĐT quan tâm và có chính sách bồi dưỡng giáo viên để phù hợp với chương trình mới.
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên trường THCS Đặng Thai Mai (tỉnh Nghệ An) cũng có ý kiến tương tự. Theo cô, giáo viên dạy đơn môn được bồi dưỡng để có thể dạy tích hợp nhưng chưa tự tin và chưa hiệu quả như mong đợi.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời gian ngắn sắp tới, khả năng cao sẽ có điều chỉnh ở các môn tích hợp ở bậc THCS.”
Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến những chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đẩy lùi bạo lực học đường
Vấn đề áp lực, bạo lực học đường, lối sống thanh thiếu niên cũng là một đề tài được đưa ra trong buổi gặp gỡ. Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Phó chủ nhiệm CLB Các trường phổ thông ngoài công lập Hà Nội đưa ra đề xuất, nên biên chế một chuyên viên tâm lý cho các trường để đẩy mạnh công tác tâm lý học đường, tổ chức tập huấn tâm lý học cho các giáo viên, cán bộ quản lý tại các trường học trên cả nước. Từ đó, giúp các thầy cô biết quản lý cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc từ tiêu cực thành tích cực, giúp hạn chế tối đa áp lực, bạo lực học đường.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong những năm gần đây, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, nhất là các nhóm học sinh nữ với những hành vi bạo lực, quay video đưa lên mạng xã hội. Theo như tìm hiểu, khoảng 70% trong số đó là các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình,… Chính vì vậy, giải pháp được đưa ra chính là phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Nhà trường phải nắm được tâm lý và hoàn cảnh gia đình học sinh để chủ động phòng và giải quyết tận gốc vấn đề. Ngoài ra, cũng cần tăng cường giáo dục các kĩ năng để học sinh có thể tự xử lý được vấn đề mà mình phải đối mặt trong cuộc sống.
Theo chương trình, sáng ngày 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; chiều ngày 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.