Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống dịch Sởi

ĐT
Ngày 19/3/2024, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh sởi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Dữ liệu của tổ chức này cho thấy, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Tại Việt Nam, tổ chức WHO cho biết, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc.

Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây, là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.

Dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm ở nước ta từ đầu năm đến nay đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Để đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR)
Vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR)

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

-Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

-Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

-Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống dịch Sởi tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác

Hà Nội có 20 ổ dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế TP. Hà Nội, trong tuần gần đây (19 đến 26/7), toàn Thành phố ghi nhận 125 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 25 quận, huyện. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân (BN) SXH là: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hà Đông, Đống Đa, Thạch Thất, Hoàng Mai.

Đề phòng viêm phổi ngày hè

Để đối phó với thời tiết nóng bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa để nhiệt độ thấp dưới 20 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ phòng lạnh và ngoài trời quá cao, khiến trẻ khó thích nghi, có thể gây viêm phổi.

Phân biệt bệnh Bạch hầu và bệnh viêm họng, viêm amidan

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác...