Cậu bé xương thủy tinh viết sách kêu gọi bảo vệ chính nghĩa

ctv04
Vượt lên số phận, Lê Anh Xuân không chỉ sống một cuộc sống đầy lạc quan mà còn dấn thân vào con đường sáng tác văn chương.

Lê Anh Xuân, sinh năm 2004 tại xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Do di chứng của chất độc da cam nên khi sinh ra, cậu bé đã bị bệnh xương thủy tinh, gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Chính vì vậy, Xuân không thể vào Sài Gòn để tham dự buổi giao lưu và ra mắt sách của mình mà em theo dõi khi chương trình phát livestream.

Trước buổi ra Biệt đội AHHV, Giáo sư Michio Umegaki - người thành lập Lớp học Ước Mơ, TS Vũ Lê Thảo Chi, tổ chức Chung Tay Donation cùng các tình nguyện viên của Nhật Bản và Việt Nam đã về nhà Lê Anh Xuân ở Cát Trinh để báo tin vui cho em. Những người có mặt tại buổi giao lưu như lặng đi khi xem clip với hình ảnh Lê Anh Xuân nằm nhỏ thó trên giường, lật giở từng trang sách của mình trong sự bất ngờ và xúc động.

Lê Anh Xuân tâm sự: “Lúc mới viết, con chỉ nghĩ là viết cho ba mẹ đọc, không ngờ sau đó cuốn sách lại được xuất bản. Mong mọi người sẽ thích. Tương lai, con mong muốn có thể trở thành một người viết văn phục vụ cho độc giả”.

Cậu bé xương thủy tinh Lê Anh Xuân


Mỗi một cuốn sách mang đến cho bạn đọc những số phận, những con người, tình tiết, cách hành văn… Nhưng vượt lên tất cả, đó là đam mê, tâm huyết của tác giả, nhất là một tác giả đặc biệt như Lê Anh Xuân. Không có điều kiện đến trường, Xuân học ghép vần và dần dần biết đọc nhờ người bố tận tụy và thương con hết lòng.Chia sẻ về cuốn sách đầu tay, được viết theo thể loại trinh thám, Lê Anh Xuân cho biết: “Con mong muốn cuốn sách của mình có thể truyền hết được những ý nghĩa đến cho độc giả. Ý nghĩa về sự lạc quan, phấn đấu trong cuộc sống. Ngoài ra, với tất cả mọi đối tượng lứa tuổi, con mong muốn được truyền đến ý nghĩa là vẫn có thể thực thi bảo vệ chính nghĩa ở bất cứ mọi nơi dù mình là ai”.

Xuân kết nối với thế giới bên ngoài qua chiếc ti vi nhỏ trong nhà và đặc biệt thích các chương trình thể thao và nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, Xuân dần phát triển và hoàn thiện khả năng ngôn ngữ. Đặc biệt, cậu tỏ ra thích thú và đam mê với việc đọc sách, nhất là thể loại phiêu lưu, trinh thám. Xuân đọc và có thể nhớ tất cả những nội dung và tình tiết của sách. Đó cũng là nguồn tư liệu và cảm hứng cho Xuân viết và vẽ truyện tranh Biệt đội AHHV.

Trong một lần về Phù Cát tham gia một dự án dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại đây, TS. Vũ Lê Thảo Chi đã được tiếp xúc với bản thảo của Lê Anh Xuân. Bản thảo khi đó chỉ là cuốn sổ nhỏ hơn bàn tay một chút, có một bố cục chặt chẽ, với trang đầu là Mục lục, chủ yếu được viết bằng chữ in hoa.

Đặc biệt, bản thảo của Xuân được viết một lần, kèm theo tranh minh họa, và không sửa. Cảm thông và thấu hiểu với đam mê, tâm huyết của Lê Anh Xuân, ngay sau khi đọc xong, TS. Vũ Lê Thảo Chi cùng bạn bè đã đi gõ cửa các đơn vị xuất bản.

TS.Vũ Lê Thảo Chi chia sẻ: “Nếu không biết về hoàn cảnh của Xuân, thì sẽ không ai biết được là người viết có một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Tôi rất thích quyển sách là vì nội dung của nó. Tôi bị cuốn vào cuốn sách mà quên mất Xuân là người viết cuốn sách đó. Bởi vì chất liệu để viết cuốn sách đó rất là phong phú, như một con người bình thường sống trong một xã hội bình thường với những diễn biến xung quanh.

Trong khi đó, gia đình Xuân trong ở một nơi xa xôi hẻo lánh, trong nhà chỉ đúng có một chiếc tivi. Xuân không có bạn bè bởi vì Xuân không thể đi ra ngoài. Nhưng khi đọc, những gì đang diễn ra trong xã hội thì các bạn cũng sẽ bắt gặp trong sách của Xuân.

Ngôn ngữ Xuân sử dụng cũng rất phong phú và chuẩn. Hay những kiến thức như sự khác nhau giữa động cơ và động năng, khi đọc sách của Xuân thì mình mới biết vì hồi xưa mình học rất dở. Tôi thực sự không hiểu vì sao Xuân có được những kiến thức cơ bản như vậy”.

Tập 1 bộ truyện Biệt đội AHHV của tác giả Lê Anh Xuân


Đội gồm có 4 “tiểu” anh hùng: Đoàn Đăng Đông, Lê Anh Suân, Cao Văn Thủ, Trần Văn Tân. Một ngày rảnh rỗi, Biệt đội AHHV bỗng nhận được một cuộc điện thoại xin được giúp đỡ từ ông Lê Văn Vàng - vốn là một ân nhân cũ của họ. Nhiệm vụ của đội là giúp ông Vàng điều tra về những chuyện kỳ lạ đang diễn ra tại đây. Từ đây, cuộc phiêu lưu của các bạn anh hùng bắt đầu.Tập 1 của Biệt đội AHHV (viết tắt của Biệt đội Anh hùng hảo Việt) với tựa đề Vụ án bí ẩn kể về tiểu đội điều tra có tên Biệt đội AHHV, với tiêu chí bất cứ ai có tinh thần anh hùng đều có thể tham gia, không nhất thiết phải là những người đánh võ giỏi.

Họ phải đối đầu với bọn Hắc Báo, một đối thủ mạnh và gian xảo. Để rồi theo sau đó nhiều tình huống bi hài xảy ra cùng với sự mất tích đầy bí ẩn của ông Vàng, Quân và Thúy.

Theo tiết lộ của TS.Vũ Lê Thảo Chi, hiện tại Lê Anh Xuân đã viết xong tập thứ hai của Biệt đội AHHV. Tháng 4 tới đây, Xuân sẽ viết về Lớp học Ước mơ - nơi Xuân đã có thời gian ngắn theo học, đồng thời cũng là nơi hình thành và chắp cánh ước mơ cho những em bé có hoàn cảnh giống như Xuân. 

Theo Zing

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cậu bé xương thủy tinh viết sách kêu gọi bảo vệ chính nghĩa tại chuyên mục Học đường của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Việc làm tốt của Nhật Phương

Trong lớp 4A, trường Tiểu học Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, Hà Nội), cô bạn Bùi Nhật Phương nổi bật với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện.