Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy phải đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để bảo vệ răng miệng, tránh sâu răng, hôi miệng,… Thử một ngày không chải răng mà xem, đến bạn còn chẳng muốn ngửi nổi.
Thế mà các loài động vật trong tự nhiên cũng ăn như chúng ta, thậm chí còn chẳng sạch sẽ vệ sinh như con người, nhưng lại chẳng bao giờ đánh răng, vậy hàm răng của chúng sẽ thế nào?
Thực tế là hàm răng của chúng vẫn khỏe mạnh và không bị sâu như con người. Tại sao lại có sự thiếu công bằng này nhỉ?
Nguyên nhân là do con người chúng ta thường tiêu thụ những loại thức ăn có hàm lượng đường cao trong thời gian dài hoặc tinh bột dễ phân hủy thành đường. Đây là những thực phẩm dễ bị vi khuẩn có hại biến đổi thành acid, bám vào răng,… nếu không vệ sinh sạch sẽ rất dễ gây sâu răng.
Trong khi đó, các loài động vật thường ăn chủ yếu là thịt, cây cỏ, lá cây... - những thứ này có chứa nhưng hàm lượng không thật nhiều chất ngọt, đường.
Sau khi ăn xong, chúng có thói quen liếm lại răng của mình như 1 cách để làm sạch. Hành động này không khác mấy hành vi đánh răng sau khi ăn của loài người. Do đó, chất đường, tinh bột còn sót lại trong khoang miệng, trên răng các loài động vật không quá nhiều nên chưa gây hại đến răng chúng.
Bên cạnh đó, các loài thú hoang dã thường ăn thịt - có nhiều chất sắt, canxi... Hoạt động nhai liên tục các loại thức ăn, cứng, mềm... sẽ khiến hàm răng thêm chắc khỏe, cấu trúc răng cũng bền vững hơn.
Tuy vậy, một vài chuyên gia thú y có nói rằng, sâu răng cũng có thể xuất hiện ở loài vật. Nhưng do tuổi thọ chúng quá ngắn nên đôi khi răng chưa kịp thấy răng bị sâu thì đã "giã từ cuộc sống" rồi.
Ngoài ra, động vật nuôi trong nhà dễ bị bệnh răng miệng hơn động vật hoang dã. Lý do là bởi vật nuôi trong nhà dễ được cho ăn, thực phẩm tương tự con người... nên chúng dễ kết bạn với sâu răng hơn.