Ngày 27/12, sức khỏe của nam sinh lên mạng học chế tạo pháo nổ khiến mảnh thủy tinh ghim khắp người đã ổn định, các vết thương đã phục hồi nhanh.
Bác sĩ Thái Đàm Quân, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết nam sinh lớp 6 là em N.Q.H (12 tuổi, ngụ H.Đất Đỏ) được đưa đến bệnh viện cấp cứu lúc 2 giờ 30 ngày 25/12.
"Bệnh nhân vào viện vì đa vết thương và bỏng vùng cổ, ngực, 2 tay và 2 chân do pháo nổ. Các vết thương này là do mảnh thủy tinh ghim vào. Đặc biệt là vết thương ở cổ có mảnh thủy tinh nằm cạnh khí quản. Nếu mảnh thủy tinh này đi sâu sẽ gây đứt động mạch và khí quản, nạn nhân sẽ tử vong ngay sau đó", bác sĩ Quân nói.
Bệnh viện Bà Rịa đã huy động các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa như Ngoại tổng quát, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng để phẫu thuật. Sau 4 tiếng phẫu thuật, toàn bộ mảnh vỡ đã được loại bỏ khỏi cơ thể bao gồm 1 mảnh lớn ở vùng cổ, 2 mảnh ở vùng ngực, 15 mảnh ở 2 tay và 2 chân.
N.Q.H. cho biết đã nhiều lần lên mạng học cách làm pháo nổ. "Em đã trộn nhiều hỗn hợp hóa học lại với nhau rồi bỏ vào chai thủy tinh. Hôm bị nạn, do em châm lửa nhưng chạy không kịp khiến các mảnh thủy tinh bắn trúng người máu ra rất nhiều. Em sợ rồi, không dám chế tạo pháo nữa", H. cho hay.
Tại Điều 5, Khoản 1 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có quy định nghiêm hành vi "nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này". Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định thạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi "chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ". |