Nắm rõ yếu tố tâm lý này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường tiểu học Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) áp dụng một vài thủ thuật sau và đã thu được những thành công nhất định.
Vào tiết dạy đầu tiên của năm học mới, cô Thủy dành thời gian để học sinh làm quen với nội quy giờ học tiếng Anh nhằm ổn định nền nếp. Việc đưa ra những qui định về quản lý lớp và nề nếp sinh hoạt là việc làm cần thiết và tiên quyết nhất cho việc học, đặc biệt đối với các học sinh khối 1, 2, 3. Đảm bảo học sinh biết rõ những nếp khi các em đến lớp chẳng hạn: lấy sách ra, để tập lên bàn….
Điều này đặc biệt quan trọng trong các lớp có sĩ số đông hoặc không gian làm việc chật hẹp vì thời gian giảng dạy quý báu không bị mất đi. Để thu hút sự chú ý của học sinh, giáo viên cần có dấu hiệu rõ ràng và đảm bảo chắc chắn học sinh biết dấu hiệu đó là gì: vỗ tay, gõ nhịp trên bảng, nói rõ một từ ra hiệu và giơ cao tay lên.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy và học sinh trong giờ tiếng Anh
Chia lớp thành đội, nhóm và duy trì thi đua trong suốt tiết học
Với phương pháp này, cô Thủy chia lớp thành hai đội, có thể yêu cầu học sinh cung cấp tên đội theo ý học sinh. Giáo viên tặng cho mỗi đội một vài điểm thưởng trước tương ứng với số ngôi sao. Tiếp theo, đưa ra các quy định về kỷ luật như: không nói chuyện riêng, không trêu trọc, đánh bạn, không nói Tiếng Việt khi luyện tập…
Nếu một học sinh trong đội vi phạm thì cả đội sẽ mất đi một điểm tương ứng mất đi một ngôi sao. Nếu học sinh tích cực tham gia xây dựng bài, giúp đỡ bạn, nói tiếng Anh nhiều trong lớp….sẽ được cộng điểm cho đội.
Trong suốt giờ học, giáo viên kín đáo quan sát học sinh một cách bao quát nhằm thưởng, phạt kịp thời, đúng lúc đúng chỗ trên tinh thần động viên, khuyến khích, ngăn chặn ngay mọi biểu hiện sao nhãng và thu hút sự tập trung của học sinh. Cuối giờ học, giáo viên tổng kết số sao mỗi đội ghi được, đội nào đạt nhiều sao hơn sẽ là đội chiến thắng.
Đưa ra ví dụ từ thực tế dạy học, cô Thủy cho biết mình thường chia lớp làm 6 nhóm theo tên 6 con vật mà học sinh đã quen ở chương trình Phonics: Fish, Bee, Bird, Horse, Ant, Rabbit. Yêu cầu và cách thức thực hiện như theo đội.
Sử dụng các nhân vật hoạt hình mà trẻ yêu thích
Ngay vào đầu tiết học, giáo viên lựa chọn nhân vật hoạt hình và hình thức tiến hành, phổ biến luật chơi. Trong suốt thời gian diễn ra của tiết học, giáo viên luôn kiểm soát lớp để nhắc nhở, động viên kịp thời dựa trên tinh thần học tập thân thiện, tích cực và không khí thoải mái, tự nhiên.
Một trong những bộ phim hoạt hình mà học sinh nào cũng yêu thích đó là bộ phim Tom and Jerry. Chú chuột Jerry thông minh luôn bị mèo Tôm săn đuổi. Nhiệm vụ của cả lớp là giúp Jerry chạy thoát.
Lúc này, cả lớp phải đoàn kết để giúp Jerry. Giáo viên đặt hình ảnh biểu tượng của Tom và Jerry lên bảng, trên một đường thẳng có khoảng cách nhỏ. Giáo viên đưa ra yêu cầu: nếu học sinh mất trật tự, làm việc riêng, không luyện tập, nói nhiều Tiếng Việt trong lớp… thì chú mèo Tom sẽ tiến gần đến chuột Jerry; còn nếu học sinh ngoan, tích cực tham gia hoạt động, nói tiếng Anh, làm việc tốt, ….chuột Jerry sẽ chạy xa Tom. Cuộc đuổi bắt giữa mèo và chuột chính là cách kiểm soát sự tập trung của học sinh rất hiệu quả. Sau một vài lần áp dụng, giáo viên thay đổi các nhân vật hoạt hình khác, hoặc tạo ra tình huống câu chuyện kịch tính hơn…
Với các nhân vật: Oggy, Peku, Po, Minion: Giáo viên chia lớp làm 4 đội, thay vì 6 đội như hình thức chia nhóm trên. Mỗi đội sẽ có một nhân vật tượng trưng, đặt ở bàn đầu. Nếu học sinh đạt điểm tích cực, nhân vật tượng trưng của nhóm sẽ tiến gần về phía giáo viên. Nếu học sinh vi phạm nội quy mà giáo viên đề ra ngay đầu tiết học, các nhân vật hoạt hình sẽ lùi xuống cuối dãy của mỗi đội. Cuối buổi học, giáo viên nhận xét về vị trí đứng của các nhân vật hoạt hình và tìm ra đội chiến thắng.
Trong quá trình thực hiện, để tránh nhàm chán, cô Thủy cho biết mình đã yêu cầu học sinh tự đưa ra tên đội mình và vẽ nhanh biểu tượng hoặc tên đội vào tờ giấy A4. Học sinh đã đưa ra một vài nhân vật của nhóm như sau: Mr. Bean, Alnandi, Conan, Harry Potter, Doreamon..….(học sinh có thể tự chuẩn bị hình ảnh các nhân vật nhóm mình yêu thích ở nhà trước và được giữ lại cho các lần chơi sau).
Ngoài ra, giáo viên có thể thay đổi vị trí đứng của các nhân vật. Thay vì được gắn nam châm để di chuyển trên bảng từ thì giáo viên có thể đặt các nhân vật này xuống sàn nhà và di chuyển quanh lớp. Hoặc, giáo viên có thể mắc một cái dây nhỏ cho các nhân vật dịch chuyển như làm xiếc trên dây đó……
Để đạt được hiệu quả cao khi ứng dụng biện pháp này, bản thân mỗi giáo viên phải quan sát, học hỏi trau dồi phương pháp dạy với các bạn đồng nghiệp, quan sát các giờ dạy mẫu trên Internet….Và trên hết là không ngừng sáng tạo ra các biến thể của các trò mẫu để tránh nhàm chán. Hãy để mỗi ngày học sinh đến trường, học sinh luôn tò mò hôm nay thầy, cô cho học và chơi trò gì?
Sử dụng con rối
Giáo viên có thể sử dụng hai con rối đóng vai là những người bạn mới đến thăm lớp. Giáo viên có thể chia lớp làm hai đội, mỗi con rối sẽ quan sát một đội. Giáo viên đặt các con rối ở vị trí mà học sinh dễ quan sát nhất, có thể trên bục giảng, dưới bảng viết.
Nếu học sinh trong đội ngoan, con rối quan sát đội đó sẽ di chuyển vào trong lớp, nếu học sinh chưa ngoan thì con rối sẽ di chuyển ra khỏi lớp, mang theo luôn những món quà mà các con rối muốn tặng lớp vào cuối mỗi tiết học (quà có thể là những stickers mà học sinh yêu thích, kẹo hoặc đồ dùng học tập nhỏ….. với giá trị không lớn, mục đích khuyến khích học sinh là chính).
Cách làm này đặc biệt hiệu quả với đối tượng học sinh nhỏ từ lớp 1 đến lớp 3- đối tượng học sinh rất hứng thú với hình ảnh hoạt hình, con rối… Giáo viên có thể sáng tạo ra những câu chuyện khác nhau, hoặc có thể làm các con rối khác nhau để đa dạng hơn trong cách thực hiện.
Theo Giáo Dục Thời Đại