Khi bạn lỡ tay làm đổ vỡ một đồ vật, làm hỏng một kỷ vật của ai đó, bạn sẽ làm thế nào? Nếu mọi người không biết việc bạn làm, bạn có lẳng lặng “dấu nhẹm” đi và coi mình như người vô can?
Nếu trong lúc đùa nghịch, bạn lỡ xô ngã cậu bạn khiến cậu ấy nổi một cục u trên trán, bạn sẽ đỡ cậu ấy dậy rồi xin lỗi hay bạn chỉ loay hoay nói rằng “tớ đâu có cố ý”?
Hoặc, một lần vì mải chơi, ham xem một bộ phim yêu thích, bạn không hoàn thành bài tập, đến hôm sau cô kiểm tra bài cũ, bạn có dám dũng cảm nói ra sự thật hay lại chuẩn bị “một lý do chính đáng nào đó” để lấp vào “khoảng trống lỗi lầm” của mình?

Và khi bạn lỡ nói lời gây tổn thương cho cậu bạn cùng bàn, hoặc một hành động khiến người bạn thân của mình buồn lòng, bạn có dám thành thật nhận lỗi và nói lời xin lỗi?
Bạn ơi, không dám nhận lỗi sẽ khiến chúng mình luôn lo lắng mặc cảm, không tự tin ngẩng cao đầu để sống sôi nổi, vui vẻ giữa người thân và bạn bè. Trong khi nói một lời xin lỗi là bạn đã “cởi ngay” được một “một hòn đá tảng” canh cánh trong lòng mình.
Nói lời xin lỗi không khiến mọi người nhìn mình thấp đi vì mình mắc lỗi mà hơn thế lời xin lỗi sẽ giúp hình ảnh bạn trở nên đàng hoàng, trung thực, mạnh mẽ hơn trong mắt mọi người.
Hãy nói với nhau một lời xin lỗi chân thành. Lời xin lỗi thật lòng sẽ trở thành nhịp cầu kết nối giữa những trái tim. Để rồi từ đó mở ra cánh cửa rộng lớn giúp chúng mình vun đắp được những giá trị tốt đẹp của bản thân trong hành trình vững bước trưởng thành.