Chống bạo hành mầm non bằng thuyết cửa sổ vỡ?

Phan Thoa
Thuyết cửa sổ vỡ có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống,có thể thấy được nguy cơ của việc bạo hành trẻ ở những cơ sở này kể cả khi báo chí chưa phát hiện hành vi bạo hành trẻ.

Theo Dân trí, thuyết cửa sổ vỡ bắt nguồn từ một bài báo của hai nhà khoa học xã hội người Mỹ James Q. Wilson và George L. Kelling đăng trên tờ Atlantic năm 1982. Hai ông đặt ra giả thuyết một tòa nhà có vài cửa sổ bị vỡ. Nếu cửa sổ không được sửa, sẽ có xu hướng thu hút những kẻ phá hoại đập vỡ thêm vài cửa sổ nữa. Cuối cùng thì, họ có thể đột nhập vào tòa nhà, và nếu tòa nhà không có ai ở, có thể họ sẽ chiếm dụng tòa nhà hoặc đốt lửa trong đó.

                                 Hai nhà khoa học xã hội người Mỹ James Q. Wilson và George L. Kelling đưa ra Thuyết cửa sổ vỡ năm 1982.

Dựa trên thuyết cửa sổ vỡ, James Wilson và George Kelling đã đề nghị một đối sách đơn giản nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại, đó là khắc phục vấn đề ngay khi chúng vừa nhen nhóm. Nếu từng khung cửa sổ vỡ (hay từng hành vi sai trái) được tu sửa ngay tức thời, thì những sai phạm tiềm ẩn khác sẽ khó có nguy cơ xảy ra.

Theo Giáo sư Kinh tế học hành vi Dan Ariely, thuyết cửa sổ vỡ cho rằng chúng ta không nên bào chữa, xem nhẹ hay dung thứ cho những sai phạm nhỏ, vì như thế sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong cuốn sách “Điểm bùng phát” (NXB Lao động - Xã hội), tác giả Malcolm Gladwell (người được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2005) đã phân tích rất kỹ về Thuyết cửa sổ vỡ. Theo Malcolm Gladwell, thuyết cửa sổ vỡ cho rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự, vô tổ chức; các hành vi trái đạo đức và trái pháp luật rất dễ lây lan.

Thuyết cửa sổ vỡ có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống ở những nơi có hành vi sai phạm. Và nếu xem xét các vụ cơ sở mầm non bạo hành trẻ xảy ra gần đây ở TPHCM, có thể thấy được nguy cơ của việc bạo hành trẻ ở những cơ sở này kể cả khi báo chí chưa phát hiện hành vi bạo hành trẻ.

Trong năm nay, tại TPHCM có 3 cơ sở mầm non tư thục bạo hành trẻ bị báo chí phanh phui. Điểm chung ở 3 trường hợp này là trước khi bị lên báo vì bạo hành trẻ, các cơ sở này đều có sai phạm về mặt hành chính, thủ tục giấy tờ.

Hiện nay, báo Đại đoàn kết cho hay, theo lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, việc lắp camera ở cơ sở mầm non, được coi là giải pháp tối ưu nhằm gia tăng sự giám sát của phụ huynh, xã hội đối với hoạt động của nhóm lớp tư thục nhằm đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Trao đổi về đề xuất này, TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc lắp đặt camera giám sát việc chăm sóc trẻ đã được thực hiện ở nhiều trường ngoài công lập, nhóm trẻ, nhóm lớp tư thục. Tuy nhiên, có thể bảo mẫu sẽ đưa trẻ ra chỗ khác để đánh, nơi mà camera không thể quan sát được thì phụ huynh làm sao biết được. Ngoài ra, việc lắp đặt này có thể tạo ra áp lực không cần thiết cho giáo viên.

Ông Lâm băn khoăn, vấn đề là ai sẽ là người theo dõi các nhóm lớp hoạt động, bố mẹ cũng không thể suốt ngày ngồi theo dõi các hoạt động của con, nếu dỗi như thế thì đã không phải đi gửi. Lắp đặt camera cần thiết thực, hiệu quả chứ nếu cứ lắp đặt theo kiểu cho có, không có bộ phận theo dõi giám sát thì vô nghĩa. Ông cũng cho rằng để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường kiểm tra các nhóm lớp, nhóm trẻ mà không báo trước. Có bất ngờ thì mới thấy hết thực trạng.

Nói về hệ thống giám sát trong trường mầm non, ông Nguyễn Trọng An- phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng nhận định: Hệ thống giám sát của chúng ta còn kém. Những hành vi bạo lực trẻ vừa qua chủ yếu là do báo chí phát hiện đưa lên thì mọi người mới biết, mà như thế thì sự việc đã muộn. Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, theo ông An, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hành động bạo hành tương tự để chấm dứt bạo lực học đường. Việc đầu tiên là thắt chặt các quy chế mở trường mầm non tư thục.

Hiện nay, có vẻ như những quy chế của chúng ta còn quá lỏng lẻo nên việc nhiều trường mầm non tư mọc lên dễ dàng? Đặc biệt, khi đã cấp phép cho các trường thì các cơ quan lại phải tăng cường công tác giám sát sau cấp phép để kịp thời phát hiện sai phạm. Ngoài ra cần tạo môi trường sư phạm tốt cho giáo viên. Nghĩa là giáo viên mầm non phải được đào tạo chính quy chứ không phải làm ngang, làm tắt. Ngành giáo dục cần thường xuyên nâng cao kỹ năng, sàng lọc kỹ những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực. Đã là giáo viên cần phải hiểu rõ chuẩn mực, nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non và chắc chắn phải có lương tâm nghề nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Trọng An, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài việc kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, phải chú trọng đến việc kiểm tra lại trình độ sư phạm, nghiệp vụ, phẩm chất của chủ cơ sở mầm non, các bảo mẫu như thế nào. Những cơ sở nào không đảm bảo đủ các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ thì địa phương không cho thành lập và cương quyết đóng cửa. Cùng với đó có thể phát huy vai trò giám sát của người dân ở gần cơ sở mầm non cùng tham gia...

Và cho dù có đưa ra những biện pháp nào đi nữa thì con người vẫn là chủ thể quyết định hành vi đúng hay sai.

Vậy, với thuyết cửa sổ vỡ chúng ta có chấm dứt được nạn bạo hành hay không?

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chống bạo hành mầm non bằng thuyết cửa sổ vỡ? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.