Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình Ngữ văn mới đặt ra yêu cầu dạy ngoài sách giáo khoa. Nhà trường cần có tài liệu tham khảo từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin.
Trao đổi với Zing.vn-GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết chương trình bộ môn được biên soạn theo chương trình tổng thể nên đảm bảo tính nhất quán, liên thông, phù hợp học sinh các cấp và đảm bảo định hướng chung của chương trình.
Cụ thể, chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.
Chương trình môn ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.
Trong yêu cầu của môn học, nhóm soạn thảo cũng đặt ra điều kiện dạy học tối thiểu là ngoài SGK, các nhà trường cần có tủ sách tham khảo với nhiều loại sách, có đủ các văn bản từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin.
Môn Ngữ văn chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình mang tính bắt buộc là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác được đưa vào phụ lục.
Vì vậy, các nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn những tác phẩm khác nhau để đưa vào sách giáo khoa. Nhìn chung, các bộ sách đều phải hướng đến việc thông qua ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Trao đổi với báo Lao động- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn mới cho hay, về mục tiêu, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe).
Vì thế, sẽ chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả mới được lựa chọn vào. Chương trình cũng được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây.
Về nội dung, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình (THCS và THPT) hiện hành.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này.
Theo thông báo kết luận của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc sở GD&ĐT ngày 29/12/2017, dự thảo các các chương trình môn học sẽ được đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến người dân trước ngày 12/1.
Kim Hiền(Tổng hợp)