HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - VINH QUANG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Chuyện kể của người lính Điện Biên

TNTP Thứ Tư
Đã bao giờ bạn được nghe kể về cuộc sống của người lính Điện Biên trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ cách đây gần 70 năm để giành độc lập cho dân tộc? Thời gian trôi qua đã lâu nhưng tinh thần yêu nước, thương nòi vẫn còn mãi…

Để nghe những mẩu chuyện về cuộc sống của người lính năm xưa, đầu Xuân mới, phóng viên (PV) báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã tìm gặp Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Đỗ Ca Sơn, người từng là chiến sĩ chiến đấu trên đồi A1 cách đây gần 7 thập kỷ…

Cụ Đỗ Ca Sơn và cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” của mình, người ghi chép lại là nhà báo Kiều Mai Sơn.

Năm nay đã 92 tuổi, cụ Đỗ Ca Sơn hiện sống cùng vợ trong một căn chung cư nhỏ trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Căn nhà tuy không quá rộng nhưng luôn có một giá lớn chất đầy sách, trong đó có nhiều cuốn sách viết về những năm tháng lịch sử ở Điện Biên của bạn bè và cả sách do chính cụ chắp bút. Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Biết PV báo Đội muốn viết về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cụ Ca Sơn hỏi rất kỹ muốn tìm hiểu về chủ đề, khía cạnh gì. Bởi trong ký ức người lính già, những ngày tháng ở Điện Biên vẫn còn mới như ngày hôm qua và có thật nhiều điều để kể lại…

Chiến sĩ Đỗ Ca Sơn (hàng thứ nhất, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các anh chị em trong gia đình năm 1955, 1 năm sau chiến thắng Điện Biên. Người chiến sĩ trẻ lúc này cao 1m70 và nặng khoảng 45kg.

Tôi là Đỗ Ca Sơn, nguyên là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 673, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Đơn vị chúng tôi di chuyển lên Điện Biên vào đầu tháng 12/1953. Về sau, chúng tôi được giao đánh chiếm đồi A1 - một vị trí trọng yếu và là cánh cửa mở toang đến Mường Thanh và trung tâm của hệ thống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là nơi chiến đấu ác liệt nhất trong 38 ngày đêm từ ngày 30/3 đến 7/5/1954. Trận đánh chiếm đồi A1 trở thành kỷ lục về trận đánh dài nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” - cụ Đỗ Ca Sơn chậm rãi nói trước khi bắt đầu câu chuyện.

Chuyện số 1: Chiến sĩ không lo bị đói

Trong những tháng ngày gian khổ đó, Đảng và quân đội ta đã rất quyết tâm vận chuyển lương thực từ miền xuôi lên miền ngược để nuôi quân. Đó là một trong những lý do người lính không sợ thiếu ăn. Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác mà ít người biết đến.

Bắt đầu từ tháng Giêng năm 1954, bộ đội ta chuyển hướng từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Các chiến sĩ bắt đầu đào hầm hào bao vây cứ điểm A1, lao động rất cực nhọc. Những ngày chiến đấu ấy, mỗi người lính được cấp 1kg gạo tẻ/ngày. Nếu là gạo nếp, bộ đội sẽ được nhiều hơn là 1,2kg, bởi gạo nếp không nở nên được tăng khẩu phần. Các anh nuôi (chiến sĩ làm cấp dưỡng trong quân đội) ngày đó rất quan tâm đến chiến sĩ, đồng đội phải được ăn no nên ngày nào cũng kiểm tra quân số để nấu cơm cho đủ.

“Buổi tối anh nuôi nấu cơm, đến sáng, chúng tôi được phát 3 nắm cơm để vào trong chiếc túi dết và khoác sau lưng. Cơm ngày ấy không thịt, không cá. Thi thoảng mới có một con cá khô từ Thanh Hóa chuyển lên. Người lính tập trung vào đánh giặc, khi nào đói thì nghỉ ngơi lấy cơm ra ăn. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác.

Chúng tôi không lo đói, vì trước khi đi chiến đấu, anh nuôi đều kiểm tra quân số để nấu đủ cho bữa tiếp theo. Nhưng nhiều lần thừa cơm vì quân số không về đủ, bởi có người đã hy sinh để lại 3 nắm cơm; những đồng đội bị thương, mất nhiều máu cũng không ăn được. Những người còn sống thì mệt mỏi rã rời và thương đồng đội quá cũng không ăn được bao nhiêu…” - cụ Đỗ Ca Sơn xúc động chia sẻ.

Đêm ngày 30/3/1954 là thời điểm mở màn trận chiến đồi A1, đại đội của cụ Đỗ Ca Sơn có 120 chiến sĩ, hợp với Tiểu đoàn 251 bắt đầu tấn công đồi A1. Kết thúc trận chiến, bộ đội hy sinh và bị thương nhiều, cả đại đội chỉ còn 27 người lành lặn. Để có được chiến thắng cuối cùng, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, không thể có bữa cơm tiếp theo. Đó là hình ảnh bi tráng của người chiến sĩ Điện Biên, đi nhưng không hẹn ngày về.

Thỉnh thoảng, chiến sĩ cũng bị đứt bữa bởi một lý do, pháo của địch nã vào vị trí anh nuôi nấu ăn. Anh nuôi hy sinh hoặc bị thương là các chiến sĩ tạm thời thiếu một bữa.

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024) - là thắng lợi quan trọng buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ nước ta. Qua bài viết này, báo Đội muốn vinh danh những chiến sĩ Điện Biên đã chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Cũng qua đó, chúng ta thấy được những hy sinh, vất vả mà người lính phải đối mặt trong quá trình chiến đấu, đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Cựu chiến binh Trung đoàn 174 gặp mặt và thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2006.

Chuyện số 2: Thường trực thiếu rau xanh và chất ngọt

Cơm không lo thiếu nhưng ngày ấy, người lính thèm nhất là rau xanh. Những ngày đầu, anh nuôi hái rau tàu bay (một loại rau mọc hoang trong rừng) để chiến sĩ có thêm chất xơ nhưng hái ăn mãi cũng hết. Đến thời điểm không còn rau, cơm cũng khó ăn hơn, anh nuôi tìm các loại rau rừng khác luộc lên, ăn vào đắng ngắt hoặc chua loét. “Bản thân chúng tôi cũng chẳng biết đó là rau gì, chỉ biết là rau thôi. Nhưng vẫn nhắm mắt để nuốt, như vậy mới ăn cơm được”.

Việc thiếu rau không chỉ ngày một, ngày hai, mà kéo dài đến nhiều tháng. Bởi ở trong thung lũng như vậy, chỉ toàn rừng núi và một vài thửa ruộng thì làm sao có rau để nuôi mấy vạn chiến sĩ và dân công. Đồi A1 nằm xa phía sau, chiến đấu ác liệt hơn nên việc tìm rau càng trở nên khó khăn. “Thèm rau vô cùng, cho nên ăn bất kỳ một thứ rau gì miễn là không ngộ độc hay chết người, để cho có chất còn chiến đấu” - cụ Đỗ Ca Sơn nói.

Một thứ thiếu thốn khác là đường, trong những tháng dài hành quân lên Điện Biên và chiến đấu đến lúc chiến thắng, không có một chất ngọt vào trong người. Nhiều khi, các chiến sĩ chỉ thèm một gióng mía, một quả ngọt. Cụ Đỗ Ca Sơn dẫn câu chuyện của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249 là cố Đại tá Vũ Đình Hòe, người chỉ huy dưới chiến hào trên đồi A1, rất dũng cảm, gương mẫu. Người chỉ huy ấy bị một mảnh pháo găm vào cánh tay, phải băng bó nhưng vẫn chỉ huy và chiến đấu.

Khi ông Hòe được lệnh lên Trung đoàn họp các Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An trông thấy cấp dưới bị thương, da mặt xanh xao. Sau đó, ông Nguyễn Hữu An đã gọi riêng ra và dúi vào tay cho 2 cái kẹo là chiến lợi phẩm lấy được từ quân Pháp. Ông Hòe mang về và ăn một chiếc cho đỡ thèm. Khi thấy ông Lê Sơn là Tiểu đoàn phó tuy cao nhưng gầy và xanh nên đã nhường cho chiếc kẹo còn lại.

Ông Lê Sơn cất kẹo vào túi, không ăn vội, đi xuống đại đội và gặp một Đại đội trưởng còn gầy hơn mình nên tiếp tục nhường kẹo. Nhưng vị Đại đội trưởng nhớ đến chiến sĩ liên lạc trẻ của mình, bằng tuổi em út, ngoan ngoãn lắm. Đồng chí Đại đội trưởng dúi chiếc kẹo cho chiến sĩ liên lạc. Chiến sĩ trẻ ấy cũng không ăn, khi mang tin liên lạc từ đại đội lên tiểu đoàn, thấy Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe bị thương, người chiến sĩ trẻ đã biếu chiếc kẹo cho vị chỉ huy. Vậy là chiếc kẹo đã đi đúng một vòng tròn… Chính vì việc này, Đại tá Vũ Đình Hòe đã trách Tiểu đoàn phó Lê Sơn vì sao không ăn? Dù nhắc nhở đồng đội nhưng vị chỉ huy đã ứa nước mắt vì thương quá…”.

Trong sự thiếu thốn, khó khăn vẫn sáng lên tình đồng đội, đồng chí thật ấm áp trong những ngày tháng không thể nào quên.

Trong khi kể chuyện, nhiều lần NGƯT Đỗ Ca Sơn xúc động khi nhớ về những đồng đội năm xưa.

Chuyện số 3: 21 viên thuốc chia cho cả trung đội

Trong chiến tranh, căn bệnh các chiến sĩ hay gặp phải nhất là sốt rét, tình trạng thuốc men luôn thiếu thốn. Có lần y tá phát cho trung đội của cụ Đỗ Ca Sơn 21 viên thuốc chống sốt rét quinacrine. Khổ nỗi, cả trung đội hơn 30 người ai cũng bị sốt rét cả nhưng muốn có hiệu quả, phải uống ít nhất 3 viên.

Trung đội trưởng phát thuốc cho những người bị nặng nhưng chẳng chiến sĩ nào nỡ uống, cả trung đội nhường nhau. Vì nếu chia cho 7 người uống, vậy những người khác làm sao khỏi bệnh được. Các chiến sĩ giằng co rồi đưa đẩy mãi không ai chịu uống.

Kết lại, cả trung đội thống nhất đem 21 viên thuốc hòa tan vào các bi đông nước. Sau đó, mỗi chiến sĩ uống một ngụm, không biết thuốc có hiệu quả hay không nhưng cách giải quyết đó đều được các chiến sĩ tán thành. Sau này, trong các cuộc gặp mặt, mọi người đều cho rằng, đấy là giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau của người lính.

Hai cuốn sách gắn liền với NGƯT Đỗ Ca Sơn là “Hai vạn dặm dưới đáy biển” (dịch) và “Người lính Điện Biên kể chuyện”.

Chuyện số 4: Tắm rửa, vệ sinh cá nhân là điều không tưởng

Trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, nước là thứ “xa xỉ” với các chiến sĩ, đôi khi còn thiếu cả nước uống. Do vậy, bộ đội không có nước vệ sinh cá nhân. Trong suốt mấy chục ngày đêm của chiến dịch, người lính không cắt tóc, không cạo râu, không đánh răng, không rửa mặt và cả… không thay quần áo.

Ở các vị trí chiến đấu khác tôi không rõ, nhưng trên đồi A1 tình hình chung là như vậy. Tôi có 2 bộ quần áo, trên đó đầy bùn đất, máu và mồ hôi, ba thứ ấy trộn vào với nhau. Không cần thay bởi cả 2 bộ đều bẩn rồi, nếu thay cũng không giải quyết được vấn đề gì cả. Cho nên cứ thế mà mặc”, cụ Đỗ Ca Sơn kể.

Mỗi khi có dịp, những người lính Điện Biên năm xưa đều tìm đến vị Thủ trưởng đáng kính, Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bản thân cụ Ca Sơn cũng vài lần bị đau bụng đến mức tưởng “chết đi sống lại” vì uống phải nước không sạch. Tuy nhiên, sau 1, 2 ngày khỏi, người lính trẻ lại tiếp tục chiến đấu.

Về sau, khi gặp lại nhau, các cựu chiến binh Trung đoàn 174 thường đùa nhau, người lính Điện Biên đã “lập kỷ lục thế giới vì bẩn”, “vô địch bẩn”! Mấy tháng trời không vệ sinh cá nhân thì khó mà tưởng tượng được. “Nói thật bây giờ tôi sạch lắm nhưng ngày ấy đúng là bẩn thật!” - người lính già vui vẻ kết lại câu chuyện.

Cụ Đỗ Ca Sơn giải ngũ cuối năm 1955. Nguyên do là vì ngày ấy cụ đã tốt nghiệp Tú tài, biết tiếng Pháp nên được giao nhiệm vụ áp giải tù binh trong hơn 1 năm. Sau giải ngũ, cụ học tiếng Nga tại trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội). Cụ Đỗ Ca Sơn tốt nghiệp thủ khoa và công tác tại trường cho đến khi nghỉ hưu; cụ được phong danh hiệu NGƯT năm 1989. Ngoài là giảng viên ngoại ngữ, cụ Đỗ Ca Sơn còn là một dịch giả, cụ đã dịch 1 cuốn sách tiếng Pháp và 5 cuốn sách tiếng Nga; trong đó có tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của tác giả Jules Verne (1828-1905, người Pháp) được độc giả biết tới rộng rãi và đã được tái bản nhiều lần.

 

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Thứ Tư, số 17+21 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyện kể của người lính Điện Biên tại chuyên mục Phóng Viên Nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Giới thiệu ẩm thực quê hương

Với mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thầy Phan Vũ Nguyên cùng nhóm học sinh lớp 10 trường THCS&THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai dự án “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên- Muối Amrêč”

Cô Tổng - Người vun đắp phong trào

Trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh, cô là người nghiêm khắc, luôn giữ nét mặt uy nghiêm; học sinh chỉ nghe tiếng bước chân của cô phía ngoài hành lang là cả lớp đã phải ngồi im không ai dám làm sai quy định.

Số hóa di tích lịch sử cơ quan Trung ương Đoàn

Đoàn xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vừa thực hiện số hóa các di tích Trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và báo Tiền Phong - Thiếu niên (nay là báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng).