Bài học quản lý thời gian
Trong một lần kiểm tra, vì sợ làm sai, tớ cẩn thận giải bài ra giấy nháp trước. Sau khi tính toán kỹ càng đáp án, cuối cùng tớ cũng thở phào nhẹ nhõm, an tâm chép lại bài giải vừa xong vào giấy kiểm tra.
Nhưng hỡi ôi, lời thông báo: “Còn 5 phút nữa hết giờ, các bạn kiểm tra kỹ bài trước khi nộp nhé!” của cô giáo như… sét đánh ngang tai tớ. Vì không để ý thời gian, tớ đã không làm hết bài kiểm tra và phải nhận điểm thấp trong ấm ức. Kể từ đó, tớ tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm đáng tiếc này nữa.
Bạn NGUYỄN LONG
(Lớp 5B, trường TH Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Một lần bị… “tủ đè”
Mỗi mùa thi tớ thường chuẩn bị rất kĩ, gần như học hết tất cả kiến thức trong phạm vi ôn tập luôn. Nhưng lần thi học kì 1 môn Ngữ Văn vừa qua là một ngoại lệ.
Học kỳ này chúng tớ được học văn thuyết minh nên chắc chắn đề sẽ ra vào thể loại này. Nhưng thuyết minh về cái gì thì đám học trò chúng tớ không thể đoán được. Thế là tớ và đứa bạn thân quyết định ôn tủ đề thuyết minh cái bút bi vì đó là bài cô giáo hay cho viết nhất.
Đến sáng hôm thi, tớ vẫn gần như chắc chắn rằng kiểu gì cũng… trúng tủ thôi. Đến lúc phát đề thì bài thi lại là thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam. Lúc đó tớ nghĩ: “Thôi… xong con ong! Chắc kì này điểm kém rồi!”.
Dù lâm vào hoàn cảnh… éo le, nhưng tớ vẫn cố gắng vận dụng hết kiến thức hiểu biết của mình để làm bài và tự nhủ: “Đừng bao giờ học tủ nữa nhé, Quỳnh Anh!”.
Bạn QUỲNH ANH
(Lớp 8B, trường THCS Chu Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương).
Khắc phục điểm yếu
Khi làm bài kiểm tra, các bạn học sinh tiểu học còn nhỏ nên hay mắc lỗi không đọc kỹ đề bài. Từ đó, xảy ra tình trạng chưa hiểu câu hỏi hoặc làm nhầm sang một dạng bài khác. Các bạn còn hay làm vội nên mắc lỗi tính toán, sai chính tả nữa. Để khắc phục tình trạng đó, các tiết học trên lớp cô thường đặt ra cùng một câu hỏi nhưng hỏi bằng nhiều cách khác nhau, đánh lạc hướng các bạn bằng câu hỏi mẹo. Sau khi cô diễn giải, các bạn hiểu ra vấn đề thì cảm thấy rất vui, hiểu và nhớ bài nhanh hơn.
Cô giáo NGUYỄN THUÝ NGA
(Trường TH Kim Đồng, quận Ba Đình, Hà Nội).
Các lỗi thường mắc phải
• Nhầm lẫn kiến thức dẫn đến câu trả lời thiếu ý, lạc đề -> Không học tủ, học lệch hay “học vẹt”.
• Ghi thiếu thông tin cá nhân, trả lời thiếu câu hỏi… -> Kiểm tra thật kỹ trước khi nộp bài.
• Bỏ trống câu trả lời: Trong quá trình làm bài, bạn gặp câu hỏi khó nên tạm thời để lại. Sau đó, bạn lại quên không quay lại để chọn đáp án -> Bạn nên dùng bút chì tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm chứ đừng để lại làm sau, rất dễ bỏ sót đó!
• Trục trặc “kỹ thuật”: Bút hết mực, máy tính hỏng, hết ngòi chì… -> Mùa thi đến rồi, hãy chú ý chuẩn bị thừa ra 2, 3 chiếc bút làm bài thi để dự phòng.
Cô giáo NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG
(Trường THCS Tân Định, Hoàng Mai, Hà Nội).
Bí kíp “bỏ túi” mùa thi
- Về kiến thức: Biển kiến thức mênh mông nên thu gọn lại trong “lòng bàn tay” bằng các sơ đồ tư duy, hệ thống từ khoá, nhóm các bài, chủ đề liên quan. Chú ý vào kiến thức cơ bản, trọng tâm “trúng – đúng - đủ”. Tránh học dàn trải, học đến đâu chắc đến đó.
- Về kỹ năng: Muốn làm tốt bài thi cần hiểu rõ cấu trúc đề thi, gạch chân vào từ ngữ quan trọng để tránh lạc đề. Với các câu hỏi đọc hiểu, nên trả lời bám sát vào dữ liệu của đề bài. Khi viết đoạn văn nghị luận văn học, dung lượng vừa đủ, đừng quên kiến thức tiếng Việt. Đoạn nghị luận xã hội cần đủ các bước, đi sâu khai thác, lý giải nguyên nhân tại sao, có dẫn chứng phù hợp và rút ra bài học cho bản thân.
Thạc sĩ PHẠM THỊ HƯƠNG GIANG.
(Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội)
Chỉ cần chủ động trong cách học, tự tin vào bản thân và bình tĩnh khi làm bài, các cô cậu học trò nhỏ của chúng ta nhất định sẽ thuận lợi vượt qua các kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất!