Ngày xuân, mời bạn bước lại gần hơn để “diện kiến” chiếc ngai vàng duy nhất còn lại ở Việt Nam đặt tại điện Thái Hòa (Kinh thành Huế). Đây là chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của 13 vị vua triều Nguyễn.
Chiếc ngai vàng uy nghiêm
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long lập nên triều Nguyễn vào năm 1802. Kể từ đó, chiếc ngai vàng luôn hiện diện tại điện Thái Hòa trong suốt các đời vua nhà Nguyễn (143 năm). Đây là bảo vật độc bản đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia vào năm 2015.

Ngai vàng của vua cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm, phần đế dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm, được làm bằng gỗ với những hình ảnh rồng chạm khắc tinh xảo, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn. Ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa trên bục gỗ ba tầng. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng và pháp lam lộng lẫy. Đây là chiếc ngai do chính tay những người thợ trong kinh thành chuyên làm đồ dùng cho triều đình và hoàng gia thiết kế ra.

Trong những dịp lễ đăng quang, sinh nhật vua, các buổi thiết triều hay đón tiếp sứ thần, nhà vua ngồi uy nghi trên ngai vàng, bên dưới chỉ có hoàng thân quốc thích và các quan tứ trụ mới được diện kiến. Ngoài sân Đại Triều Nghi, các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng theo cấp bậc và thứ hạng. Tất cả vị trí đều được đánh dấu trên những tấm đá nhỏ đặt hai bên sân. Quan văn bên trái, quan võ bên phải.
Những giai thoại kỳ bí
Trong các đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Triều nhà Nguyễn duy trì ổn định 56 năm. Đến năm 1858, thực dân Pháp đô hộ nước ta, cũng là khoảng thời gian tranh giành ngôi vua khốc liệt, thế nhưng ngai vàng vẫn không hề bị dịch chuyển.

Chuyện 4 tháng thay 3 vua là giai đoạn đen tối của nhà Nguyễn. Đời vua Tự Đức không có con nối dõi đã nhận 3 người cháu làm con nuôi. Khi vua cha băng hà, vua Dục Đức được chọn để truyền ngôi. Ông đã yêu cầu quan đại thần bỏ đi những lời vua cha đánh giá không tốt về mình trong Di chiếu tại lễ đăng quang. Chỉ được 3 ngày, hai đại thần phụ chính là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đề nghị phế truất và đưa Hiệp Hòa lên làm vua. Tương truyền rằng, trong lễ đăng quang có con quạ đen đậu trên cây trước điện Thái Hòa, kêu lên 4 tiếng. Thật lạ, 4 tháng sau, vua Hiệp Hòa bị xử tử vì duyệt tờ biểu trừ khử hai quan quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hoàng tử Ưng Đăng kế thừa ngôi báu năm 15 tuổi, lấy hiệu là Kiến Phúc. Tuy ở ngôi chí tôn nhưng vua Kiến Phúc luôn lo âu khi ngồi trên ngai vàng đã khiến nhà vua hay đau ốm và mất sau 8 tháng lên ngôi. Cuộc tranh giành quyền lực này kết thúc khi vua Hàm Nghi lên ngôi vào năm 1884.

Ngôi báu thiêng liêng
Với người dân Huế, ngay cả khi đã chấm dứt chế độ phong kiến cũng không bao giờ tùy tiện chạm vào bảo vật của Hoàng cung, tự ý ngồi lên ngai vàng hay dịch chuyển ngai đi chỗ khác, bởi họ coi như vậy là phạm thượng, thất lễ. Các cô chú ở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế kể rằng, trước đây có đoàn làm phim về vua Thành Thái. Trong phim có cảnh quay nhà vua ngồi trên ngai phải thực hiện ở điện Thái Hòa. Trước khi bấm máy, người diễn viên đóng vai vua đã quỳ lạy chiếc ngai rất thành kính rồi mới dám bước lên thực hiện vai diễn…

Còn bây giờ, các bạn không phải lăn tăn điều đó nữa bởi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục chế một số ngai vàng đặt ở Đại nội, Lăng vua Tự Đức phục vụ khách du lịch mặc áo hoàng bào chụp ảnh kỷ niệm. Các bạn có muốn thử một lần bước vào hoàng gia không? Nào, xin mời bạn đến với Cố đô Huế nhé!