Cô giáo Nhung và những hộp sữa ấm tình người

Nguyễn Hà
3 năm trôi qua, cô giáo Trần Thị Nhung (sinh năm 1979, giáo viên tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách Đội, trường THCS Giáp Bát, Hà Nội) đã âm thầm phát hàng chục nghìn hộp sữa tới những bệnh nhân ung thư.

 Ông trời gieo duyên, cô gieo tình người

Trong một lần đi phát cháo từ thiện tại Bênh viện K2 (Thanh Trì, Hà Nội) cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hình ảnh về người bệnh ốm yếu nằm trên giường bệnh không ăn được cơm cháo đã khắc sâu vào suy nghĩ của mình. Cô Nhung quyết định phát động chương trình thiện nguyện “200 hộp sữa mỗi tuần” trên facebook, kêu gọi những nhà hảo tâm và sự hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên. Dấu mốc 25/5/2013 vẫn được cô Nhung nhắc mãi: “Ban đầu cô nghĩ một mình mình thì không thể làm trọn vẹn mọi việc, ban đầu cô cùng học sinh cũ của mình tự đóng góp để đủ 200 hộp sữa mỗi tuần. Nhưng rồi cùng sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” đã hướng dẫn bệnh nhân, người nhà làm đồ handmade để bán đấu giá gây quỹ. Quỹ này lại tiếp tục được sử dụng mua sữa cho bệnh nhân”.

Cô Nhung (váy đỏ) tới tặng sữa cho các bệnh nhân nội trú của viện K.

Tính đến nay đã là 167 tuần liên tiếp cô Nhung cùng các bạn tình nguyện viên tới bệnh viện K2 và K3 tặng sữa. Từ năm 2015, câu lạc bộ thiện nguyện của cô Nhung đã tăng chỉ tiêu sữa cho bệnh nhân từ 200 hộp sữa mỗi tuần lên 200 hộp sữa mỗi ngày. Với mỗi người lớn sẽ nhận 3 hộp sữa còn các bệnh nhi sẽ nhận lên gấp đôi là 6 hộp sữa mỗi tuần. Công việc này cứ âm thầm được thực hiện, mọi việc cô làm đều xuất phát từ lương tâm và chính tình cảm của bệnh nhân là động lực to lớn giúp cô tiếp tục trên những chuyến đi thiện nguyện của mình.

Khó khăn thử thách lòng người

Khi bắt đầu vào công việc phát sữa của mình, cô Nhung gặp muôn vàn khó khăn mà theo như cô chia sẻ thì tới bây giờ cô vẫn phải đối mặt: “Với những chương trình thiện nguyện khác, họ làm theo quý hoặc theo tháng. Nhưng với cô, cô muốn duy trì hàng tuần để giúp đỡ bệnh nhân, trao cho họ hơi ấm của tình người, giúp họ thêm nghị lực để chống trọi với tử thần”. Đó cũng là lý do cô Nhung chỉ muốn dừng lại quy mô thực hiện của mình ở hai bệnh viện K2 và K3 dành cho bệnh nhân ung thư và suy thận. Bởi khi ôm đồm quá nhiều, cô không thể cáng đáng nối.

Trong mỗi chuyến đi thiện nguyện đã để lại cho cô Nhung nhiều kỷ niệm, nhiều tình cảm đáng quý mà bệnh nhân dành cho cô.

Có lẽ bởi chính món quà vô giá cô Nhung nhận lại là tình cảm của bệnh nhân mà khi được hỏi có khi nào cô cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại. Cô Nhung đã nói không, hiện cô đang sắp xếp hợp lý mọi công việc: “Khi cô đăng thông tin học tập lên facebook là nhằm động viên các thành viên trong lớp mà cô giảng dạy và để báo cáo với quận. Đầu tuần cô sẽ đăng thông tin về hoạt động Đội, giữa tuần là thông tin về hoạt động thiện nguyện, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ và cuối tuần là hình ảnh về chuyến đi. Cứ đều bước như vậy, mọi người  thắc mắc là cả tuần cô đi từ thiện hay sao. Nhưng những người trong cuộc mới hiểu mình làm gì và mình phải làm gì để cân đối mọi việc. Mỗi tuần cô chỉ dành 2 tiếng cho từ thiện còn những ngày thường cô vẫn có 12 tiết lên lớp, hoạt động Đội và ngoài ra còn chăm sóc gia đình. Cô tự cảm thấy mình có thể sắp xếp được. Cô nghĩ không ai sống thay cuộc sống cho mình, phải tự bươn chải thôi”.

Sự cống hiến âm thầm ấy của cô đôi khi lại bị hiểu nhầm. Có những người đã nghĩ cô làm như vậy sẽ có chút trục lợi cá nhân. Cô Nhung đã suy ngẫm rất nhiều và giãy bày: “Chương trình lấy của cô khá nhiều nước mắt vì làm người tử tế khó vô cùng. Kể cả tới thời điểm này vẫn có những người hiểu sai về những gì cô đang làm. Nhưng tự bản thân thấy thanh thản với lương tâm. Có một bạn thành viên đã nói với cô: tự cô đã chọn cho mình một con đường đi, không ai ép mình cả. Cô đã chọn con đường đi quá khó khăn và nhiều chông gai. Điều gì đưa cô tới con đường ấy thì cô nên vì chính nó mà vượt qua. Từ đó mình đã cố gắng để vượt lên tất cả, chuyên tâm trong những chuyến thiện nguyện”.

Trong suốt quãng thời gian gắn bó với nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”, cô Nhung đã gặt hái được những thành tích đáng nể: Giải Nhất cấp thành phố Giáo viên dạy giỏi Tiếng Anh; Giải Ba Thiết kế bài giảng E-learning; từng có học sinh đạt giải cấp quận, thành phố vầ toàn quốc. Về công tác Đội: nhiều năm nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, danh hiệu Phụ trách giỏi cấp thành phố, kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ, tháng 6 vừa qua nhận danh hiệu một trong 10 thanh niên tiêu biểu của thủ đô Hà Nội, danh hiệu phụ nữ xuất sắc của thành phố Hà Nội…

Đầu năm 2016, cô Nhung vinh dự nhận danh hiệu "Một trong mười thanh niên điển hình tiên tiến của Thủ đô Hà Nội".

Khi đề cập tới những thành tích và danh hiệu mà mình đạt được, cô Nhung đã có chút ngập ngừng: “… Quý giá nhất nhận lại không phải là danh hiệu mà cái quý giá nhất là tình người. Khi giảng dạy học sinh, tình cảm mà các em dành cho mình là thước đo lớn nhất đối với mỗi người giáo viên. Có lẽ cô chọn nghề giáo viên cũng chính vì cô yêu học trò, muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến với các em. Còn trong chương trình thiện nguyện, cô nghĩ là chỉ muốn chia sẻ với bệnh nhân thôi. Mình nhận lại là tình cảm từ phía bênh nhân và người nhà của họ. Đó là thứ vô giá mà không có gì mua nổi”. Quả thật cô là một con người khiêm tốn, là một tấm gương để học sinh noi theo.

Trong những tiết giảng dạy, những giờ hoạt động ngoại khóa, cô Nhung thường mang những bài học ý nghĩa chia sẻ với học sinh. Cô chia sẻ: “Quan điểm của cô, ngay trong các tiết chào cờ đầu tuần, luôn muốn giáo dục các con cần phải thành nhân trước khi thành công và học cách trở thành một người tốt trước khi trở thành người thành đạt. Dạy từ các tiết học Tiếng Anh cho tới các tiết hoạt động ngoài giờ, mang câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống để chia sẻ tới các bạn học sinh. Để các bạn ấy hiểu hơn giá trị của cuộc sống”.

Sức mạnh từ tình người, lòng nhân ái là sức mạnh vô hình. Cô Nhung đã mang nhiệt huyết và lòng nhân ái gieo cho biết bao bệnh nhân. Dù cho họ không thể tránh khỏi “bản án tử hình”, nhưng những phút giây cuối đời, họ đã có những kỷ niệm đẹp đẽ nhất về tình người. Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc cô Nhung sức khỏe để tiếp tục cống hiến, dìu dắt lớp lớp học sinh nên người và vững vàng trên những chương trình thiện nguyện.

 Ngọc Hà

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cô giáo Nhung và những hộp sữa ấm tình người tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh Hà Nội khám phá môi trường học tập mới

Năm học 2023-2024 sắp kết thúc là thời điểm các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn môi trường học tập mới cho con. Nắm được nhu cầu này, trường Đa Trí Tuệ (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã tổ chức tham quan môi trường học tập cho cha mẹ và con. Để từ đó, phụ huynh đưa ra quyết định chọn trường phù hợp.