Theo từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020) định nghĩa barem (barème) là: “đáp án có kèm theo điểm cụ thể của từng phần, dùng làm căn cứ để chấm thi”.
Từ barème có xuất xứ đầu tiên là trong lĩnh vực công việc hành chính, đặc biệt là kế toán, tài chính,...Chẳng hạn, trong nghiệp vụ kế toán, người ta thường hay nói: “Định mức và thù lao cứ theo đúng ba rem”, “Theo ba rem đã định thì tiền thù lao sẽ là ….”, “bên trên chưa có ba rem thì rất khó tính toán”…

“Ba rem” là một từ có nguồn gốc Pháp: barème (có nghĩa là “bảng tính sẵn”). Trên thực tế, thì từ barème còn có xuất xứ đặc biệt khác: Đó là tên họ của một nhà toán học Pháp - Francois Barrême (1636-1703). Ông là người đã biên soạn và là tác giả của quyển Sách bảng giá mà người ta có thể thấy những món tiền tính sẵn (in năm 1669 tại Paris) và quyển Các bảng giá và món tiền tính sẵn trong đại thương nghiệp (in năm 1670, Paris).
Barrême là người say mê toán học, thời gian đầu ông làm việc trong ngành buôn bán ở tỉnh lẻ. Nhờ những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình làm công việc này đã giúp ông sáng tạo ra loại hình kế toán kép mà ngày nay, khắp nơi đều sử dụng (kế toán kép, còn gọi là kế toán hai sổ, trong đó mỗi giao dịch tài chính của một công ti được ghi lại với ít nhất 2 tài khoản kế toán có liên quan).

Năm 1668, khi đến Paris, Barrême đã trình lên nhà vua đương thời một loạt bảng tính tiền sẵn và trở nên nổi tiếng từ đó. Ngoài ra, ông còn xuất bản một số tập thơ riêng rất hay. Những người mến mộ ông hay nói vui rằng “Không biết các con số hay là các nàng thơ mà ông đánh số đã làm cho cuộc sống của ông thêm vui nhộn”.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có các văn bản hay từ ba rem để dùng trong công việc chấm bài thi, rọc phách, đối chiếu số liệu…mà từ ba rem còn có nguồn gốc xuất hiện liên quan đến tên của một nhà toán học người Pháp Francois Barrême sống ở thế kỷ 17.