Một trong những điểm đáng chú ý là dự kiến bỏ các hình thức kỷ luật nặng như tạm dừng học hay đình chỉ học tập, thay vào đó là các biện pháp mang tính giáo dục như viết bản tự kiểm điểm, nhắc nhở và phê bình. Mục tiêu là hướng tới sự bao dung, đồng hành và hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh hành vi, tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Đối với học sinh tiểu học, các hình thức kỷ luật chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi, đồng thời không lưu vào hồ sơ hay học bạ. Đối với học sinh các cấp học còn lại, sẽ áp dụng ba hình thức: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản kiểm điểm – tất cả đều hướng tới mục tiêu giáo dục, không mang tính trừng phạt.
Dự thảo cũng mở rộng hình thức khen thưởng gồm: tuyên dương trước lớp, toàn trường, giấy khen của hiệu trưởng và thư khen. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài trường học cũng có thể phối hợp thực hiện tuyên dương phù hợp.
Theo đại diện Vụ Học sinh – Sinh viên (Bộ GD&ĐT), việc sửa đổi chính sách kỷ luật học sinh lần này nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh, phù hợp đặc điểm lứa tuổi, vùng miền và hoàn cảnh cá nhân, đồng thời tôn trọng nhân phẩm, tránh mọi hình thức bạo lực học đường.
Quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh có từ năm 1988. Trong đó, các hình thức kỷ luật học sinh là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm. Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ trường học, bỏ hình thức phê bình trước lớp, trường. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn.
Nếu quy định mới được thông qua, mức kỷ luật cao nhất với học sinh là viết bản tự kiểm điểm.