Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh V.I.Lenin (22/4/1870-22/4/2025)

V.I.Lênin: Nhà cách mạng kiệt xuất, người khai mở thời đại mới trong lịch sử nhân loại

Chu Hải
Ngày 22/4/2025 đánh dấu tròn 155 năm ngày sinh của Vladimir Ilyich Lê-nin – Nhà tư tưởng thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, người đặt nền móng cho Nhà nước Xô viết đầu tiên trong lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilits Ulianov, sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ ở thành phố Simbirsk (nay là Ulianovsk) của nước Nga. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã sớm bị cuốn hút bởi chủ nghĩa Mac. Biến cố người anh trai Alexander bị xử tử vì tham gia phong trào cách mạng chống chế độ Nga hoàng càng thôi thúc ông dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng giai cấp.

Lãnh tụ V.I.Lênin
Lãnh tụ V.I.Lênin

V.I.Lênin là người tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã. Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Đối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin mà V.I.Lênin là người bảo vệ và phát triển đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách linh hoạt vào tình hình thực tế của Việt Nam, dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Tiếp nối mạch nguồn đó, tư tưởng V.I.Lênin tiếp tục soi đường cho công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Di sản lý luận và thực tiễn sâu sắc

V.I.Lênin không chỉ là nhà lãnh đạo chính trị, mà còn là nhà tư tưởng kiệt xuất. Ông phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đưa ra nhiều luận điểm có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc: vai trò của đảng cách mạng kiểu mới, lý luận về chuyên chính vô sản, nhà nước Xô viết, và chiến lược – sách lược cách mạng trong từng giai đoạn.

Tư tưởng V.I.Lênin đã và đang là kim chỉ nam cho nhiều đảng cộng sản và phong trào tiến bộ trên thế giới. Tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”, một chân lý mà Người đã tiếp nhận thông qua ánh sáng Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng Lê-nin.

Lê-nin trong lòng nhân loại tiến bộ

155 năm đã trôi qua kể từ ngày Lê-nin ra đời, nhưng di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Trong bối cảnh thế giới ngày nay tiếp tục chứng kiến sự bất công, bất bình đẳng và những thách thức toàn cầu như chiến tranh, nghèo đói, biến đổi khí hậu, tư tưởng nhân văn, tiến bộ và khát vọng giải phóng con người của Lê-nin càng trở nên sâu sắc và cần thiết hơn bao giờ hết.

Kỷ niệm 155 năm ngày sinh của V.I. Lê-nin là dịp để các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới cùng nhau suy ngẫm về con đường phát triển nhân loại, đồng thời tôn vinh một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX – người đã sống trọn đời cho lý tưởng cao đẹp: “Không có gì quý hơn tự do và hạnh phúc của nhân dân”.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết V.I.Lênin: Nhà cách mạng kiệt xuất, người khai mở thời đại mới trong lịch sử nhân loại tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác