Đây là nội dung quan trọng vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố. Theo đó, hệ thống thông tin địa lý GIS sẽ cho phép tính toán chính xác khoảng cách từ nơi cư trú đến các trường học, từ đó phân tuyến tuyển sinh dựa trên vị trí thực tế. Học sinh có hộ khẩu hoặc nơi ở gần trường nào sẽ được ưu tiên đăng ký học tại trường đó.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, cho biết: “Giải pháp này sẽ góp phần giảm gánh nặng đi lại cho học sinh và phụ huynh, đồng thời tối ưu hóa việc phân bổ học sinh trên địa bàn thành phố”. Ông khẳng định đây là bước tiến lớn trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục Thủ đô.
Để chuẩn bị cho thay đổi quan trọng này, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều trường học mới trong năm học 2025-2026, tăng số lượng lớp và cải thiện điều kiện học tập, nhằm bảo đảm cơ sở vật chất đồng bộ khi GIS được áp dụng.
Trong khi đó, tuyển sinh năm học 2024-2025 vẫn được tổ chức theo phương thức hiện hành. Khoảng 127.000 học sinh lớp 9 sẽ xét tốt nghiệp THCS và đăng ký vào lớp 10. Tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT công lập dự kiến tăng lên 64%, cao hơn 3% so với năm trước. Đây cũng là khóa đầu tiên học sinh tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mở ra giai đoạn đổi mới căn bản về nội dung và phương pháp giảng dạy.
Cũng trong năm nay, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến cho tất cả cấp học đầu cấp, nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông người, giảm áp lực cho phụ huynh và cán bộ tuyển sinh.
Đối với những trường có chất lượng cao hoặc số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu, Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn cụ thể. Các đơn vị có thể tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực, phỏng vấn hoặc các hình thức phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, tuân thủ quy định chung của Bộ GD&ĐT.