Cùng khám phá đồ chơi Trung thu ở bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

TRẦN THỊ THÚY HẢO
TNTP - Sáng thứ bảy (15/9/2018), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) (Hà Nội) rộn rã tiếng nói, tiếng cười của các bạn nhỏ tham dự hoạt động “Cùng khám phá đồ chơi trung thu”...

Ngay trước sân tòa Cánh diều, các bạn nhỏ được hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu: ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, tò he, hoa quả bằng bột, đầu lân, mặt nạ, diều, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây.

Ở gần đó, bên bãi cỏ xanh mướt, những bạn ham thích vận động được thả sức vui với các trò chơi dân gian: thi độ nước (Chăm), kéo co, đội nước; bịt mắt đập niêu, đi cà kheo…

Xa xa, cạnh nhà Chăm, những bạn khéo tay lại thả sức học hỏi và thể hiện tài làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, lảm cốm Vòng…

Ông kể cháu nghe về sự tích đèn kéo quân.

Giữa vòng trong, vòng ngoài những ánh mắt ngưỡng mộ dõi theo, bà Phạm Nguyệt Ánh, 70 tuổi (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, HN), nghệ nhân tạo hình các loại hoa, củ, quả, con giống từ các loại bột nếp bánh dẻo, bột năng… say sưa hướng dẫn cho các bạn nhỏ cách nặn sáng tạo. Bên những con cá vàng, quả lê, quả táo, bí đỏ, su su, hoa hồng, hoa cúc… bà Nguyệt Ánh tâm sự: “Bà làm nghề này được hơn 40 năm rồi. Nghề này giờ ít người làm lắm nên bà rất mong truyền được tình yêu nghề cho thế hệ trẻ. Bà vui nhất là các em nhỏ, các vị phụ huynh cứ suýt xoa khen bột nặn mà sao giống y như thật. Đó chính là sự động viên, khích lệ to lớn để bà có thể theo nghề và nhiệt thành truyền nghề”.

Các bạn nhỏ được nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh hướng dẫn cách nặn các loại củ, quả, con giống từ các loại bột.

Bạn Nguyễn Ngọc Diệp (lớp 10D1, trường THPT Lương Thế Vinh), tình nguyện viên (TNV) của chương trình hào hứng hướng dẫn các em nhỏ tập tô mặt nạ. Ngọc Diệp cười tươi tâm sự: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia làm TNV hoạt động Trung thu. Vui lắm vì được trở lại với tuổi thơ chưa xa của mình. Mình thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân gian của quê hương mình và lại giúp được các em nhỏ làm điều có ý nghĩa”.

Bạn Nguyễn Ngọc Diệp – TNV – với sản phẩm mặt nạ thỏ của các em nhỏ.

Cũng trong niềm hân hoan ấy, nhóm ba bạn trai Bùi Minh Thành, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Phúc Nguyên, học sinh lớp 5 đến từ các trường Tiểu học Phan Đình Giót, Việt Úc, Ngọc Lâm chia sẻ: “Trước đây, cứ nghĩ tới rằm Trung thu là chúng tớ chỉ nghĩ tới đèn ông sao, đèn lồng còn các loại đèn khác, như đèn cù, đèn kéo quân… là chúng tớ không hề biết. Hôm nay, chúng tớ được các anh chị TNV hướng dẫn làm đèn cù. Thật thú vị. Lát nữa, chúng tớ sẽ khám phá tiếp cách làm đèn kéo quân, diều giấy. À dĩ nhiên là chúng tớ sẽ không bỏ qua các trò đập niêu, kéo co, đi cà kheo… đâu nhé. Công nhận là hấp dẫn và vui hơn nhiều so với việc ngồi chơi điện thoại, máy tính, ipad…”.

“Tác giả” của những chiếc đèn cù Bùi Minh Thành, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Phúc Nguyên, “khoe” niềm vui của mình.

Với chị em bạn Vi Trần Nhã Minh và Vi Trần Nhã An (Lớp 5A2 và lớp 1A1 trường TH Lương Yên) thì một trong những hoạt động thích thú nhất là được làm bánh dẻo chay, sau đó được “măm măm” ngay sản phẩm của mình… hì… hì…

Chị em bạn Vi Trần Nhã Minh, Vi Trần Nhã An háo hức với màn “ảo thuật bánh dẻo” vừa đẹp mắt vừa ngon miệng”.

Được khám phá đồ chơi Trung thu dân gian, niềm vui không chỉ đến với các bạn nhỏ mà còn đến với các các vị phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc (dì ruột của hai chị em Nguyễn Trần Khánh Chi và Nguyễn Trần Khánh An) đến từ quận Hà Đông không giấu nổi sự xúc động: “Trẻ em bây giờ đa số được làm quen với các thiết bị công nghệ từ nhỏ. Những hoạt động trải nghiệm các trò chơi, đồ chơi dân gian như thế này sẽ làm đẹp tâm hồn các bé, giúp các bé có sự gắn bó với văn hóa truyền thống một cách tự nhiên. Còn đối với người lớn, đây cũng là dịp để chúng tôi được trở về với tuổi thơ của mình. Thật là một món quà quí giá”.

“Tác phẩm” Bay lên những cánh diều của ba dì cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc (dì), Nguyễn Trần Khánh Chi và Nguyễn Trần Khánh An (cháu).

Các bạn thân mến. Đúng là khi khoa học công nghệ phát triển, tốc độ sống nhanh sẽ khiến mọi người thích những gì đơn giản, dễ làm và ít phải bỏ công sức và thời gian. Vậy, hãy sống chậm lại một chút, cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa dân gian bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người Việt. Chỉ như vậy, bạn mới có thể tự hào mình là người Việt Nam, có bản sắc văn hóa riêng khi bạn là công dân toàn cầu, đi khắp bốn phương trời, bạn nhé.

Và đây là một tin rất vui dành cho các bạn nhỏ Hà Nội trong mùa Trung thu:

Chương trình Trung thu 2018 “Sắc màu văn hóa Ninh Thuận” ở Bảo tàng DTHVN sẽ diễn ra trong hai ngày 22, 23/9/2018 tức ngày 13 và 14/8 âm lịch (thứ bảy và chủ nhật, từ 8h30 – 12h00 và 14h00 – 17h30).

Địa điểm: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cùng khám phá đồ chơi Trung thu ở bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Con đi trải nghiệm, phụ huynh: Người vui, người tủi, người lo lắng

Theo chia sẻ của các phụ huynh, hoạt động trải nghiệm, về cơ bản đều mang đến những khám phá mới mẻ, thú vị, bổ ích, niềm vui cho con. Tuy nhiên, việc những hoạt động này liệu đã thực sự đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT, nhận được sự đồng thuận của các phụ huynh và đã thực sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia hay chưa thì còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp.