Utqiagvik là một thị trấn ở cực bắc nước Mỹ, thuộc bang Alask với hơn 4.000 người sinh sống. Nơi đây được mọi người đặt cho nhiều biệt danh như "nóc nhà của thế giới" hay "điểm bắt đầu của biến đổi khí hậu".
Bắt đầu từ tuần này, Utqiagvik sẽ phải trải qua "đêm vùng cực" kéo dài 66 ngày. Trong suốt khoảng thời gian đó, ánh sáng mặt trời không xuất hiện khiến nhiệt độ tại đây giảm xuống đáng kể. Mỗi năm, thị trấn này trải qua 160 ngày có nhiệt độ thấp hơn 0 độ C. Và lần tiếp theo mặt trời mọc phía trên đường chân trời là ngày 22/1/2022.
Suốt 66 ngày này, người dân nơi đây sẽ sinh hoạt và làm việc trong bóng tối 24/24. Chia sẻ về cuộc sống ở thị trấn, Myron McCumber - chủ một nhà nghỉ cho biết: "Người Alaska có xu hướng là những người có suy nghĩ khá độc lập. Dù vẫn thuộc Mỹ nhưng cuộc sống ở đây dường như tách biệt hoàn toàn.
Khi bạn về nhà vào buổi trưa nhưng trời lại rất tối. Bạn phải bật đèn vào buổi trưa để lái xe về nhà. Chính điều đó hơi khác một chút đối với phần lớn người dân ở 48 bang còn lại của nước Mỹ".
Dọc theo bờ biển của thị trấn là một tấm biển chào mừng với nội dung "Thành phố cực bắc nước Mỹ". Phía trên dòng chữ còn có hình minh họa màu xanh và trắng về đuôi cá voi. Hàng năm, rất đông khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới đổ về đây để tận mắt quan sát các hiện tượng.
Vật giá cũng trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở Utqiagvik khi mọi thứ khá đắt đỏ. Một túi bột giặt giá 98 USD và bạn phải trả 14 USD để có được 3,7l sữa. Hay như chai nước mua tại siêu thị Walmart có giá khoảng 6 USD nhưng ở thị trấn này nó bán với giá 48 USD.
Cư dân sinh sống ở thị trấn phần lớn là người Iñupiat Alaska bản địa, họ đã ở vùng cực trong hàng nghìn năm. Lịch sử ghi lại, người Iñupiat đã từng sống sót qua điều kiện khí hậu khắc nghiệt và săn bắt tuần lộc, chim, cá voi, hải cẩu và hải mã để làm thức ăn. Hiện nay, do giá cả leo thang nên săn bắt vẫn trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.
Mùa xuân đến, người dân địa phương sẽ tổ chức một lễ hội mang tên Nalukataq với mục đích ăn mừng mùa săn cá voi thành công. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu thời gian gần đây đã khiến việc săn bắt trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Băng trên biển không còn nhiều, người dân đã không thấy sự xuất hiện thường xuyên của một số loài như gấu bắc cực, hải mã, hải cẩu,...