Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2020 hứa hẹn thu hút hơn 1 triệu học sinh tham gia

Tiếp nối thành công của cuộc thi năm 2019, Bộ VH-TT-DL tiếp tục tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2020” trên phạm vi toàn quốc với dự kiến sẽ thu hút được hơn 1 triệu bạn học sinh-sinh viên tham gia.

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức cuộc họp công tác viên triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” nhằm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định: “Với hai năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", tính đến nay đã có tới trên 50 triệu lượt người tới đọc sách, báo ở các thư viện công cộng. Điều này đã chính tỏ văn hóa đọc đã được người dân chú trọng. Tuy nhiên, dù đã đạt được những tín hiệu tích cực nhưng nhận thức của người dân về đọc sách, báo vẫn cần không ngừng được nâng cao”.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà giới thiệu về Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.

Có thể thấy sau quãng thời gian triển khai Đề án nói trên, hoạt động thư viện ở Việt Nam trong hai năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, HSSV có sự gia tăng. Ước tính các chỉ số hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và các thư viện đa ngành, chuyên ngành năm 2019 đã hơn 15% so với năm 2018. Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường phổ thông đã phục vụ được hơn 100 triệu lượt người sử dụng với hơn 180 triệu đầu sách, báo và tài liệu. Thực hiện phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn. Văn hóa đọc đã giúp những người một thời lầm lỡ tìm được về nẻo thiện, đẩy mạnh tu dưỡng cải tạo để sớm hoàn lương với cộng đồng. Kế thừa những thành tích đã đạt được, bà Vũ Dương Thúy Ngà mong muốn việc triển khai Đề án năm nay tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan nhằm thực hiện đầy đủ các tiêu chí phát triển văn hóa đọc cho người dân, tạo nên một xã hội học tập suốt đời gắn liền với các thư viện.

Chúng ta có thể thấy được việc đọc sách đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để văn hóa đọc không phải là huyền thoại mà nó sẽ luôn là hiện hữu, sao cho tất cả mọi người quan tâm đến nó vẫn là một bài toán khó. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa đọc. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông trong thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa đọc. "Năm nay là năm bản lề kết thúc giai đoạn 1 của cả hai Đề án, tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để nâng cao nhận thức cho người dân", bà Ngà nhấn mạnh.

Nhà báo Trần Lan Phương - Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng chia sẻ ý kiến tại buổi họp.

Là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch triển khai “Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, vừa qua, Bộ VHTTDL đã phát động cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2020”. Cuộc thi đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Với những ý nghĩa đó, cuộc thi năm nay tiếp tục được tổ chức với nhiều điểm đổi mới và hấp dẫn. Tuy nhiên để thu hút nhiều hơn nữa số lượng thí sinh tham dự, nhiều đại biểu tại buổi làm việc đã đề xuất giải pháp giúp cuộc thi trở nên hấp dẫn, thú vị hơn.

Toàn cảnh cuộc họp.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 là hoạt động dành cho các bạn học sinh, sinh viên, người khiếm thị với mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh, sinh viên - một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường và cộng đồng. Thông qua cuộc thi sẽ tìm ra những gương mặt tiêu biểu để truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách và văn hóa đọc.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2020” sẽ được tổ chức 2 vòng:

Vòng sơ khảo (từ tháng 2 đến hết ngày 15/7) tại các tỉnh, thành phố, trường đại học, học viện.

Vòng chung kết (từ 20/7 đến đầu tháng 9) ở Hà Nội với nhiều nội dung hấp dẫn.

Các thí sinh thuộc mỗi nhóm đối tượng dự thi học sinh hoặc sinh viên có thể lựa chọn một trong các chủ đề: Sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách; Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích; Viết tiếp lời câu chuyện... Đặc biệt, BTC cũng khuyến khích thí sinh có hình thức thể hiện đa dạng bằng vẽ tranh minh họa, quay clip hay sử dụng song ngữ Việt – Anh...

Được biết, cuộc thi năm nay được tổ chức mở rộng hơn so với năm 2019. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, sinh viên đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học/học viện và các loại hình giáo dục khác đều có thể tham gia cuộc thi.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2020 hứa hẹn thu hút hơn 1 triệu học sinh tham gia tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác

Lịch nghỉ của học sinh dịp lễ 30/4 và 1/5

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do đó người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Theo đó, lịch nghỉ và học bù của học sinh cũng sẽ được điều chỉnh.

Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024.