Đề thi minh họa THPT Quốc gia 2018 môn Ngữ Văn.
Cô giáo Trần Phương (Giáo viên Ngữ Văn tại Hà Nội) gợi ý trả lời cho các bạn học sinh như sau:
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự vì:
+ Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên.
+ Mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.
+ Tìm kiếm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.
Câu 3:
Có thể hiểu ý kiến “như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần” như sau: Trong cuộc sống, không ai chiến thắng liên tiếp hoặc thành công mà lại chưa từng thất bại. Đằng sau một thành công lớn, hoặc những bài học ta vừa lĩnh hội có thể là một bước lùi (một thất bại nào đó) thì mới có được thành quả. Thất bại làm người ta lĩnh hội và rèn giũa được những kinh nghiệm quý giá. Ta nên chấp nhận những thất bại đó như điều hiển nhiên của cuộc sống.
Câu 4: Học sinh trình bày suy nghĩ riêng của mình và có kiến giải hợp lý. Có thể đồng ý với ý kiến trên hoặc phủ định ý kiến (hoặc chỉ ra cả hai mặt đúng – sai của ý kiến)
Học sinh có thể đồng ý và lý giải: chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như cuộc sống vốn có sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, hài lòng với mọi thứ mình có; không bị sa vào lối sống “ảo tưởng” và hạn chế được cái “tôi” quá cao. Nếu chúng ta luôn cố chấp ghét bỏ một ai đó, không công nhận sự tiến bộ hoặc điểm tốt của người khác,.. cũng như chúng ta quá hà khắc với bản thân mình thì ta sẽ luôn sống trong tâm trạng tiêu cực, căng thẳng và mệt mỏi, thậm chí sẽ gặp nhiều thất bại.
Học sinh có thể không đồng ý và lý giải: không phải lúc nào người khác và bản thân mình cũng làm đúng và tốt đẹp, chúng ta có thể chấp nhận mặt tốt nhưng không nên chấp nhận ở người khác và đặc biệt là ở bản thân mình những điểm xấu cần loại bỏ. Hãy biết phê phán khi cần thiết để xã hội và chính mình tốt hơn.
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1:
* Về kỹ năng:
- Trình bày đúng hình thức một đoạn văn (đầu đoạn viết lùi vào, viết hoa, có dấu chấm hết đoạn; không tách đoạn và không được viết thành bài).
- Đảm bảo dung lượng đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Đảm bảo đoạn văn theo cấu trúc của các đoạn văn đã học (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành). Học sinh nên trình bày theo đoạn diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp.
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống
- Thể hiện suy nghĩ tích cực, có tư duy sâu sắc, diễn đạt hợp lý
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Về nội dung: Học sinh có thể bày tỏ ý kiến của mình theo nhiều cách khác nhau, đảm bảo đúng vấn đề nghị luận và có kiến giải hợp lý. Dưới đây là gợi ý tham khảo
Mở đoạn: Có thể mở đoạn theo một trong những cách sau:
- Giống như Hellen Keller từng nói: “Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được”, trải nghiệm thực sự có vai trò quan trọng trong cuộc sống.
- Nếu được hỏi một người thành công và trưởng thành về bí quyết của họ, tôi tin chắc, họ sẽ trả lời: đó là “trải nghiệm”. Trải nghiệm thực sự có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống chúng ta.
- Một trong những điều quan trọng làm ta khôn lớn và thành đạt trong cuộc sống chính là trải nghiệm.
Thân đoạn
Giải thích: trải nghiệm là tự mình trải qua, tham gia những hoạt động, sự việc và từ đó nghiệm lại những tri thức, kĩ năng mà ta thu được.
Bàn luận về ý nghĩa của trải nghiệm:
+ Đem lại cho chúng ta kiến thức, hiểu biết thực tế. Trải nghiệm giúp chúng ta mau chóng hiểu rõ hơn về cuộc sống xung quanh. Cuộc sống có nhiều điều mà sách vở không dạy chúng ta, cũng như có nhiều chuyện mà khác xa với lý thuyết ta đã học. Chỉ khi tự trải nghiệm ta mới cảm nhận được hết các bài học, áp dụng được lý thuyết đã học vào thực tế và hiểu rõ cuộc sống hơn.
+ Giúp ta hiểu và đồng cảm với mọi người xung quanh, có cái nhìn rộng mở và bao dung hơn. Trải nghiệm còn là việc ta tham gia vào một cuộc sống khác, môi trường khác, từ đó ta dễ dàng hiểu hơn những người xung quanh ta.
+ Giúp ta không sợ hãi trước những khó khăn, thử thách, thất bại. Bởi mỗi khó khăn, thất bại đều là một bài học quý giá để ta lớn khôn và đi dần đến thành công. Từ đó ta không bị rơi vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng trước va vấp của cuộc sống.
+ Trải nghiệm còn giúp ta tự khám phá được bản thân. Chỉ khi tự mình trải qua thì kinh nghiệm mới thực sự có giá trị và có tác động lớn đến suy nghĩ tình cảm mỗi người, ta sẽ nhận ra những điểm mạnh điểm yếu của bản thân, những thiếu sót cần khắc phục.
+ Chỉ có trải nghiệm mới giúp ta đúc kết được tri thức, kĩ năng và tiến bộ, những trải nghiệm lớn còn có khả năng giúp ta vươn lên tầm cao, đạt được thành công rực rỡ
Dẫn chứng: Bill Gates, Steve Jobs, Hồ Chí Minh, nhà văn Maxim Gorki, Nam Cao, Nguyên Hồng … đều phải qua trải nghiệm mới có được thành công và sự hiểu biết.
Bàn luận nâng cao:
+ Thực tế nhiều bạn trẻ vẫn chưa coi trọng trải nghiệm của bản thân, ngại tiếp xúc với môi trường mới, chưa trau dồi kĩ năng sống của mình
+ Bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức được vai trò của trải nghiệm, đừng ngại dấn thân vào điều mới mẻ và đừng ngại thử cố gắng hết mình hoặc làm mới hơn cho những điều tưởng như đã cũ.
+ Mở rộng: không phải sự trải nghiệm nào cũng là tích cực, hãy biết lựa chọn những sự trải nghiệm tốt đẹp để khiến cuộc sống mình thành công và tuyệt vời hơn.
Kết đoạn: khẳng định lại ý nghĩa sự trải nghiệm (có thể không cần kết đoạn nếu viết theo đoạn văn diễn dịch)
Câu 2:
* Về kỹ năng:
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai vấn đề, Kết bài khái quát vấn đề
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về hình tượng người lái đò, từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp giữa lý lẽ và dẫn chứng
- Đảm bảo quy tắc chính tả dùng từ, đặt câu và diễn đạt mới mẻ, sáng tạo
* Về nội dung:
(1) Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân:
+ Trước Cách mạng tháng Tám, ông tài hoa nhưng bất đắc chí, vì thế thường hướng ngòi bút của mình đến vẻ đẹp ở một thời vang bóng như một cách phản ứng lại với xã hội, đồng thời cũng hướng đến đời sống trụy lạc và đi theo chủ nghĩa xê dịch để thoát li thực tại. Tác phẩm “Chữ người tử tù” với hình tượng Huấn Cao đã tiêu biểu cho phong cách và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám.
+ Sau Cách mạng tháng Tám, ông hòa vào đời sống nhân dân, vẫn đi tìm cái đẹp ở những thứ dữ dội, độc đáo nhưng tâm hồn đã rộng mở, gắn kết với cuộc đời hơn. Đoạn trích “Người lái đò sông Đà” với hình tượng ông lái đò đã tiêu biểu cho phong cách và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng.
=> Có thể khẳng định ông là con người cả đời đi tìm cái đẹp, cái lạ lùng.
(2) Phân tích
Cảm nhận về hình ảnh người lái đò trong cảnh vượt thác
* Thứ nhất, thể hiện ở sự từng trải, giàu kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc về luồng lạch trên sông Đà. Ông lái đã “nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá”
* Thứ hai, ông thông minh, dũng cảm như một viên tướng tài ba, như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà.
- Ở trùng vây thứ nhất:
+ Dù thác đá dữ dội, nham hiểm, độc địa nhưng vẫn chiến đấu kiên cường
+ Ông cố nén vết thương, mặt méo bệch nhưng vẫn chỉ huy tỉnh táo, không hề nao núng
- Ở trùng vây thứ 2:
+ Thác đá bày thêm nhiều cửa tử và rất nham hiểm nhưng ông vẫn bình tĩnh, không khinh địch
+ Ông hiểu rõ quy luật và có chiến thuật hợp lý: nắm chặt lấy cái bờm song đúng luồng; ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vòa cửa sinh, lái miết một đường chéo về phía cửa đá
+ Hành động của ông mạnh mẽ, dứt khoát như người nghệ sĩ trên lưng cọp
- Ở trùng vây 3:
+ Thác đá nguy hiểm hơn và con thuyền dễ đâm vào luồng chết hơn nhưng ông vẫn lách lượn dễ dàng
+ Con thuyền lao nhanh như tên bắn, đường đi uốn lượn tài hoa.
* Nghệ thuật miêu tả nhân vật:
+ Bút pháp tương phản đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của ông lái đò trước sự hung bạo của thác đá.
+ Trí tưởng tượng phong phú cùng kho chữ nghĩa giàu có, kiến thức liên ngành đã xây dựng vẻ đẹp độc đáo và cuộc vượt thác đầy gay cấn
+ Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hóa đã dựng nên một trận chiến đầy hào hùng
=> Hình ảnh ông lái hiện lên với tư cách người lao động - nghệ sĩ làm chủ thiên nhiên, đó vẻ đẹp của “chất vàng mười” trong tâm hồn con người Tây Bắc.
Liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ
* Nhận xét về Huấn Cao trong cảnh cho chữ:
- Nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ là hiện thân của cái Đẹp không bị chốn lao tù kìm hãm, thậm chí cái Đẹp còn ung dung tồn tại và lan tỏa tới những người xung quanh. Huấn Cao là con người tài hoa, khí phách hiên ngang bất khuất, “thiên lương” trong sáng.
-Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, có sức chinh phục, cảm hóa mãnh liệt đối với những con người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”.
* So sánh điểm giống và khác nhau:
- Giống nhau:
+ Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ.
+ Vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm.
+ Sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo. Khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng.
- Khác nhau:
+ Huấn Cao: Con người của một thời vang bóng, được lấy từ nguyên mẫu Cao Bá Quát
+ Người lái đò: Con người của cuộc sống lao động bình thường
Nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp của con người
+ Con người luôn được nhìn ở góc độ tài hoa nghệ sĩ, con người là cái đẹp
+ Ông say mê đi tìm kiếm cái Đẹp và trân trọng cái Đẹp, đó phải là cái Đẹp độc đáo, nằm trong nhân cách con người, là cái đẹp không phải ai cũng biết thưởng thức.
+ Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám có sự thay đổi
Trước Cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân vật tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi “ngông”, mắc cái bệnh ham mê thanh sắc, thích chiêm ngưỡng, chắt chiu cái Đẹp và nhấm nháp những cảm giác mới lạ. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc sống mới từ góc độ thẩm mĩ của nó. Nhưng không còn là một Nguyễn Tuân “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông đã nhìn cái đẹp của con người là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nẩy nở sinh sôi, đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.
(3) Đánh giá lại đề và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
- Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng ông lái đò trong cuộc vượt thác và Huấn Cao trong cảnh cho chữ. Đây đều là những hình ảnh con người mang nét đẹp tài hoa, nghệ sĩ và tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám.
- Nguyễn Tuân xứng đáng là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác và là người suốt đời đi tìm cái đẹp
Cô giáo Trần Phương