"Dây cót" học tập như đang "siết chặt" lấy học sinh

Nguyễn Hà
Những kỳ thi căng thẳng chuẩn bị "ập" tới teen chúng mình: kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, thi chuyển cấp...

Các bạn đang phải dồn mọi sức lực để có được kết quả tốt nhất. Thế nhưng vô hình nó lại đặt lên vai học sinh một gánh nặng rất lớn.

Một câu chuyện đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, kể về một bạn học sinh đang "nấu sử sôi kinh" chuẩn bị vào lớp 10 nhưng áp lực lớn hơn cả chính là sự kỳ vọng và "nghiêm khắc" của cha mẹ.

Chị gái mặc dù rất thương xót nhưng chẳng thể làm gì được bởi áp lực từ gia đình và nhà trường là rất lớn. Chị gái đã chia sẻ câu chuyện này với tất cả mọi người.

“Đây là em gái mình năm nay thi cấp 3. Từ đầu năm lớp 9 đến giờ hầu như nó học full thứ 2 đến chủ nhật, đến nghỉ lễ còn không được nghỉ. Còn 2 tháng nữa là thi nên bây giờ nó phải học hùng hục không khác gì trâu húc mả.

 Học kín cả tuần không ngày nghỉ tối về ăn qua loa tý cơm rồi lại đi học, học xong lại về học tiếp. Hôm nay nhà mình vừa bực vừa giận đồng thời ra quyết định cho nghỉ học thêm. Các bạn biết sao không, bố mẹ mình chỉ định cho học 2 tiếng buổi tối từ 7giờ đến 9 giờ nhưng từ lâu cô giáo cho lên hẳn 10 giờ 10 giờ 30 phút đêm mới được về. Và hôm nay là 10 giờ 45 phút.

Bài thi tổ hợp vào lớp 10 khiến nữ sinh này phải cố gắng để bước vào cánh cổng trường cấp 3 với kết quả cao.

…Đi học chiều về tầm 5 giờ 30 phút chiều em mình học bài luôn, ăn bát cơm qua loa rồi 7 giờ đi học. Bây giờ về lại học tiếp, vừa học vừa xúc cơm ăn. Nhiều lúc ngủ gật rơi cả bát. Mà em mình là con gái, cứ tưởng tượng 11 giờ đêm Hà Nội còn vắng huống chi quê mình 8 giờ tối người ta đã tắt điện đi ngủ.

 Tối nay cả bố mẹ và mình đã phải đi đón em về. Rồi đi học nhiều em mệt nên chẳng ăn uống gì, mà không ăn thì không có sức học, bởi vậy em mình giờ như người ốm dậy ấy. Chưa biết học tốt hơn không nhưng sức khoẻ đã giảm quá nhiều rồi.

Mình cũng muốn cho e nghỉ ngơi lắm nhưng bố mẹ rất nghiêm khắc. Chỉ có học và học . Mình ngày xưa cũng thế, tuổi thơ của chị em mình chỉ có học thôi nên bây giờ 22 tuổi đầu ra ngoài vẫn ngu ngơ lắm . Mẹ mình là giáo viên , bố mình làm nhà nước nên áp lực học hành dữ lắm. Điểm thấp là về ăn đòn ngay. Mình cũng nói rằng cho nó học ít thôi để nó nghỉ ngơi nhưng mà bố mẹ mình không nghe. Còn học từ thứ 2 đến chủ nhật là bắt buộc trên trường rồi.

Bây giờ là 11 giờ 30 phút đêm rồi, em gái vừa học vừa thuộc bài ngày mai vừa xúc cơm ăn, rồi còn một đống đề cương nữa. Không biết em mình còn học đến mấy giờ. Đến thi đại học mình thấy cũng không vất vả như này…”

Liên hệ với bạn Nguyễn Hằng, chủ nhân của câu chuyện, bạn ấy cho biết em gái mình không còn thời gian để giải trí. Nếu có thời gian, tranh thủ lúc ăn qua loa bát cơm thì nghe nhạc thôi. Còn bình thường không đủ thời gian ngủ nên cũng không giải trí. 

Với những áp lực lớn tới như vậy khiến việc học tập không còn là cánh cửa mở ra tương lai, nhiều bạn học sinh đã phải nhập viện điều trị trầm cảm, thậm chí còn mở ra những cái kết buồn như quyên sinh để không phải mệt mỏi.

Ngọc Hà

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Dây cót" học tập như đang "siết chặt" lấy học sinh tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.