Dạy học theo tình huống là một hình thức khoa học về việc dạy cách học, học cách học. Kiểu dạy học đó chẳng tốn kém gì, mà còn có ý nghĩa sư phạm rất lớn.
Làm sao để phân biệt một bên là thợ dạy, bên kia là thầy giáo; một bên là thợ học, bên kia là học sinh. Chúng ta không thể đánh đồng giữa thợ với thầy, giữa người học theo lối “cầm tay chỉ việc” với người học theo kiểu tìm tòi nghiên cứu.
Báo Thanh Niên đưa tin, nhiều giáo viên các trường THPT tại TP.HCM đã bắt đầu thay đổi cách dạy, cách học môn giáo dục công dân theo hướng không gạo bài kiểu thuộc lòng.
Qua đề thi THPT quốc gia năm 2017, các giáo viên môn Giáo dục công dân đã có định hình về cấu trúc và cách biên soạn câu hỏi trắc nghiệm, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy cho học sinh lớp 12 ngay đầu năm học.
Ông Tạ Công Minh, giáo viên Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho hay: “Sau khi tham khảo các mã đề trong kỳ thi vừa qua, nếu học theo kiểu thuộc lòng thì HS chỉ có thể trả lời được 10 câu hỏi đầu. 30 câu hỏi còn lại đều cần các em thể hiện sự hiểu, tư duy, suy luận để chọn đúng đáp án”.
Tương tự, giáo viên Lê Thị Lý, Tổ trưởng Tổ giáo dục công dân Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), nói rằng việc vững kiến thức trong sách giáo khoa là điều đương nhiên học sinh phải đáp ứng. Tuy nhiên, nội dung câu hỏi trong bài thi là các tình huống liên quan đến luật nên nếu không hiểu thì học sinh không thể tìm đúng đáp án. Bởi nếu chỉ học thuộc mà không hiểu thì khi gặp đáp án nhiễu tương tự đáp án đúng, học sinh sẽ dễ lựa chọn nhầm hoặc rất mất thời gian phân biệt.
Theo ông Tạ Công Minh, người dạy không thể sử dụng lại bộ giáo án, nội dung bài giảng từ những năm trước mà phải biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp. Từ nội dung sách giáo khoa, giáo viên chắt lọc những kiến thức cốt lõi, từ đó dẫn dắt HS vào các tình huống cụ thể thì mới hiểu, vận dụng; chủ động mở rộng kiến thức, cập nhật thông tin sự kiện diễn ra trong xã hội để chuyển đổi sao cho học sinh dễ tiếp cận.
Thầy Nguyễn Phạm Phúc, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho biết về phía học sinh cũng phải học một cách chủ động, không nên “phó mặc” vào thầy cô. “Thầy cô là người dẫn dắt, hướng dẫn còn chính các em cũng phải tích cực “theo dòng thời sự”. Trước mỗi sự việc nổi bật mà xã hội đang quan tâm, nên phân tích, đánh giá, suy luận theo góc độ pháp luật hay bằng các kiến thức mình đã học”, giáo viên này nói.
Tóm lại, dạy học theo tình huống là một hình thức khoa học về việc dạy cách học, học cách học. Kiểu dạy học đó chẳng tốn kém gì, mà còn có ý nghĩa sư phạm rất lớn, vì nó sinh động, cụ thể, thực tế, đồng thời giúp giáo viên kịp thời phát hiện được những chỗ mạnh, chỗ yếu của học sinh để điều chỉnh, khích lệ.
Học sinh sẽ năng động và dạn dĩ hơn, dần dần sẽ tự nâng mình lên trong nhận thức và hành động sáng tạo. Cách dạy học theo tình huống còn giúp học sinh cải thiện các kỹ năng sống và làm việc, như hợp tác theo nhóm gắn kết với độc lập suy nghĩ, tìm ra lối thoát và vượt lên chính mình bằng mọi cách sáng tạo.
Các nhà giáo dục ở các nước phát triển còn xác định việc dạy học theo tình huống là khâu đột phá căn bản trong xu hướng đầu tư chiều sâu cho yêu cầu đổi mới công nghệ dạy học.
Duy Minh (tổng hợp)