Nội dung chính
1. Định kiến là gì?
Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa định kiến là ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều khái niệm khác nhau về định kiến được các nhà nghiên cứu Tâm lý học đưa ra. Cụ thể:
Các nhà tâm lý học Xô viết quan niệm: định kiến là quan niệm đơn giản, máy móc, thường không đúng sự thật về một vấn đề xã hội, về một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó.
Theo Fischer: Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm 2 thành tố chính là nhận thức và ứng xử.
Theo J.P.Chaplin, định kiến là:
1) Là thái độ có thể tích cực hoặc tiêu cực được hình thành trước trên cơ sở những dấu hiệu rõ ràng trong đó đặc biệt là yếu tố cảm xúc;
2) Là lòng tin hoặc cách nhìn, thường là không thiện cảm làm cho chủ thể có cách ứng xử hoặc cách nghĩ như vậy đối với những người khác.
Hiểu một cách tổng quát thì định kiến là những ý kiến, quan điểm của 1 hoặc 1 nhóm đối tượng. Những ý kiến, quan điểm này được hình thành trước khi nhận thức chính xác về vấn đề nào đó. Hay nói cách khác, định kiến có phần chủ quan, xa rời thực tế, độ chính xác không cao.
Định kiến tồn tại hầu hết trong các vấn đề hiện nay. Chẳng hạn, không ít định kiến về giới tính như trọng nam khinh nữ, phẩm chất, phẩm hạnh của phụ nữ hay kỳ thị giới tính thứ 3 được hình thành. Những định kiến đó mặc dù có thay đổi theo thời gian nhưng vẫn còn phổ biến ở rất nhiều nơi.
2. Nguồn gốc của định kiến xã hội
Định kiến được hình thành qua một quá trình lâu dài và có thể được truyền lại cho thế hệ sau thông qua các tập tục của cộng đồng. Ban đầu đầu có thể muốn giữ vị thế có lợi cho mình nên người ta đặt ra các luật lệ, quy tắc và có thái độ cảnh giác với một nhóm hoặc cộng đồng khác.
Ví dụ, đàn ông luôn muốn giữ vị thế thống trị trong gia đình và xã hội nên đặt ra các quy tắc khắt khe với phụ nữ và tạo ra thái độ không tôn trọng phụ nữ. Từ đó hình thành định kiến giới và cứ thế định kiến giới tồn tại cho đến bây giờ thông qua các tục lệ và các quy tắc xã hội. Dù không ít người cảm thấy định kiến này vô lý nhưng vì đã tồn tại quá lâu đời nên ăn vào tiềm thức con người. Thậm chí ăn vào tiềm thức của chính người bị định kiến. Muốn xóa bỏ định kiến này phải có thời gian.
Một trong những nguồn gốc khác của định kiến xuất phát từ quan niệm không đúng về một vấn đề xã hội hoặc về một nhóm người nào đó. Chẳng hạn, người ta quan niệm rằng: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, nên không thể hi vọng con dâu thương bố mẹ chồng, con rể thương bố mẹ vợ. Quan niệm như vậy nên dẫn đến họ định kiến với con dâu, con rể (những người không chung dòng máu), cho rằng con dâu, con rể không bao giờ thương mình nên cũng không dại gì mà thương họ.
3. Nguyên nhân hình thành định kiến
Có nhiều nguyên nhân khiến định kiến hình thành và duy trì trong xã hội trong quá trình dài.
1. Điều kiện kinh tế - xã hội
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động vào quá trình hình thành định kiến. Chẳng hạn, ở những vùng nghèo, kém phát triển, dân trí của người dân thấp, không được mở mang hiểu biết hay tiếp xúc với văn hoá, tư duy và cuộc sống ở các quốc gia khác. Vì thế, những định kiến đã được hình thành từ lâu đời vẫn còn tồn tại và tiếp tục duy trì.
2. Thời gian hình thành và duy trì định kiến
Một số định kiến được hình thành từ rất lâu đời và được truyền miệng, ghi chép từ đời này sang đời khác, ăn sâu vào tiềm thức con người. Vì thế mà định kiến vẫn tồn tại mãi. Nếu con người không thay đổi suy nghĩ hoặc tiếp xúc với sự tiến bộ, phát triển, sẽ khó mà thay đổi định kiến.
3. Sự sai lệch trong cách nhìn nhận của con người
Như đã đề cập ở phần trên, nhận thức sai lệch của con người cũng là nguyên nhân hình thành nên định kiến.
Những người càng lớn tuổi lại càng có định kiến và khó thay đổi hơn.
4. Những cách vượt qua định kiến trong xã hội
Phải thừa nhận rằng, định kiến sẽ luôn tồn tại và rất khó để xoá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không vượt qua được định kiến. Có hai bước chủ yếu để thay đổi định kiến:
- Thay đổi nguyên nhân dẫn đến định kiến: như trình bày ở phần trên, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn thay đổi được định kiến thì trước tiên ta phải xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến đó để tác động vào.
- Thay đổi định kiến: sau khi xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến ta sẽ dùng các biện pháp cụ thể phù hợp để thay đổi định kiến.
Bên cạnh đó, điều bạn có thể để vượt quá định kiến là có niềm tin vào bản thân. Bạn không cần phải nghe theo ý kiến, chỉ trích của ai. Chỉ cần trở thành người mà mình mong muốn, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, tỉnh táo và xác định được con đường riêng của mình.
Bạn có thể tìm kiếm sự đồng cảm từ những người xung quanh. Đây như là cách để tiếp thêm sức mạnh.
Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn kiến thức chung về định kiến và cách vượt qua định kiến trong xã hội.