Đường lên đỉnh Olympia không chỉ là một gameshow mà nó còn là nơi để mọi người trau dồi thêm vốn kiến thức của mình từ kho câu hỏi đồ sộ của chương trình. Các thử thách của cuộc thi đa dạng ở mọi lĩnh vực từ các kiến thức xã hội cho đến các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Đôi khi còn có cả những câu hỏi được "giao thoa" giữa các lĩnh vực khác nhau.
Một câu hỏi xuất hiện ở mùa thi thứ 17 đang nhận được sự quan tâm của cư dân mạng có nội dung như sau: "Nếu xếp tên 63 tỉnh, thành của nước ta theo bảng chữ cái tiếng Việt thì tỉnh nào đứng đầu danh sách và tỉnh nào đứng cuối danh sách?".
Câu hỏi này có số điểm là 10 và các thí sinh trong mùa thi đó đều có ngay câu trả lời vì tính chất khá đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm vững về kiến thức này để đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Nếu như xếp tên 63 tỉnh, thành trên cả nước theo bảng chữ cái tiếng Việt thì tỉnh đứng đầu danh sách là An Giang và Yên Bái là tỉnh đứng cuối danh sách.
Được biết, An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có dân số đông nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 8 cả nước về dân số. Nằm cách TP.HCM 231km, An Giang giáp với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, có đường biên giới dài 104km với Campuchia.
Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện gồm 2 thành phố: Châu Đốc, Long Xuyên, 8 huyện và 1 thị xã. Một phần của tỉnh này nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên.
Còn Yên Bái là một tỉnh miền núi thuộc khu vực phía Tây Bắc của nước ta với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống tại đây. Nơi đây có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Nằm cách Hà Nội 158km, Yên Bái giáp với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Sơn La.
Tỉnh lỵ của Yên Bái là thành phố Yên Bái và 8 đơn vị hành chính gồm 1 thị xã, 7 huyện. Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải của tỉnh này từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn cho những tín đồ mê xê dịch, yêu thích sự bao la, hùng vĩ của thiên nhiên.