Payet
12 tuổi Payet đã phải rời xa gia đình đến Pháp, tham gia học viện bóng đá của CLB Le Harve. Payet từng bị đánh giá là không có tố chất bóng đá, bởi vừa thiếu tốc độ, ngoại hình, sức mạnh và đặc biệt chỉ thích chơi bóng theo ý mình mà không theo bất kỳ khuôn khổ nào. Trong các buổi tập cũng như trong các trận đấu, Payet hầu như chỉ thích ghi bàn bằng cách lừa qua hàng loạt cầu thủ, hoặc thực hiện những pha tung móc kiểu “ngả bàn đèn”. Đó là tiết lộ của Michael Lebaillif, HLV của Payet từ độ tuổi 14 đến 16.
Xa gia đình từ khi còn quá trẻ là khó khăn lớn của Payet cũng như nhiều ngôi sao khác vì sự nhớ nhà. Có lúc, tưởng như Payet đã từ bỏ giấc mơ bóng đá, thay vào đó là công việc của một anh nhân viên tại một cửa hàng quần áo trong siêu thị tại Nantes, một công việc mà Payet từng làm qua.
Sự kiên trì, nỗ lực chứng minh bản thân đã giúp Payet có đước thành công tại kỳ Euro lần này.
Griezmann
Khi còn thiếu niên, Griezmann vốn dĩ như đồ bỏ đi của các trung tâm bóng đá trẻ ở Pháp. Từ Lyon, Sochaux, Metz, Auxerre và St.Etienne… đều đồng loạt nói không, do ngôi sao sinh năm 1991 chẳng thể đáp ứng được chỉ tiêu sức khỏe.
Vài tháng kiên trì xin tập cùng đội U13 Montpellier, Griezmann đã lọt vào mắt xanh Eric Olhats (tuyển trạch viên Real Sociedad). Con đường đi đến thành công của Griezmann luôn có hình bóng người cha Alain bên cạnh, khi Griezmann đau chân đã có người cha của anh xoa bóp, anh thất vọng về một trận đấu không tốt cũng có cha mình bên cạnh. Alain tạo cho cậu con trai cảm giác: “Dù cả thế giới quay lưng với con, cha vẫn là người cuối cùng bên cạnh con.”
Olivier Giroud
Olivier Giroud đam mê với trái bóng tròn từ nhỏ nhưng không vì thế mà chàng tiền đạo này bỏ bê chuyện học hành. Và ít ai biết được rằng, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, chàng tiền đạo sinh năm 1986 người Pháp tiếp tục theo học ngành Khoa học và Công nghệ thể dục, thể thao (STAPS) ở Trường Đại học Grenoble. Và sau hơn 3 năm miệt mài đèn sách nghiên cứu ở ngôi trường này, Giroud đã có trong tay tấm bằng cử nhân về STAPS loại xuất sắc trước khi gia nhập Montpellier mùa hè năm 2010.
Oliver Giroud không chỉ đẹp trai, đá bóng hay mà còn học cực siêu.
Olivier Giroud từng chia sẻ: “Tôi không bỏ học, bởi tôi muốn có được công việc liên quan tới thể thao sau khi giải nghệ. Trong những năm tháng thi đấu tại Grenoble, tôi đã nghiên cứu về khoa học thể thao, sự thật là, rất hiếm cầu thủ trẻ vừa đi học vừa đá bóng như tôi”.
Ronaldo
CR7 giành nhiều thời gian cho trái bóng khi còn là thiếu niên.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh thường xuyên bị bạn bè châm chọc, chê cười vì mái tóc xoăn tít và giọng nói của vùng Madeira do đó anh thường xuyên tìm đến với trái bóng và hứng thú với việc đá bóng hơn là chuyện học hành.
Có một lần giáo viên cùng với các bạn giả giọng vùng Madeira để trêu Ronaldo. Trong cơn tức giân, CR7 đã phản ứng mạnh với giáo viên đó. Kết quả là cuối năm anh bị hạnh kiểm yếu và bị đuổi học sau đó.
Toni Kroos
Birgit, mẹ anh là một VĐV cầu lông hàng đầu nước Đức, còn Roland, bố anh là HLV bóng đá. Khả năng chơi bóng của Toni và em trai Felix được ông Roland nhận ra từ khi họ còn rất nhỏ. Mặc dù Roland rất khuyến khích hai cậu con trai phát triển sự nghiệp thể thao; ông cũng đồng thời yêu cầu Toni và Felix phải đảm bảo việc học văn hóa. Họ được gửi vào một trường phổ thông tại Rostock với yêu cầu đơn giản là “bảng điểm chấp nhận được” sau mỗi học kỳ.
Toni Kroos được sinh ra để trở thành một kiện tướng thể thao.
Nhưng Toni Kroos không thể đáp ứng yêu cầu đó. Với cậu, quả bóng có một ma lực đặc biệt và toàn bộ tâm trí của cậu dồn vào những trận đấu khi thì ở lò đào tạo, lúc lại trên một con phố thưa người. Giáo viên chủ nhiệm của Toni, Siglinde Heimann nhớ lại rằng anh chàng này rất ít khi đến lớp và môn học giỏi nhất của anh chính là môn thể dục
Bà Birgit ban đầu không hài lòng với điểm số của cậu con trai và cả những lần bị gọi lên trường để thầy cô trách móc thái độ học tập của Toni. Nhưng về sau, bà cũng phải mềm lòng trước đam mê của anh.
“Nó không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài trái bóng. Chúng tôi phải chấp nhận điều đó và để nó tập trung tối đa cho sự nghiệp cầu thủ!”, bà Birgit chia sẻ.
Mesut Ozil
Đam mê chơi Cờ Vua từ nhỏ, Ozil đã mang những tư duy loogic, chiến thuật Cờ Vua vào áp dụng trên sân cỏ.
Christian Krabbe - người thày dạy Ozil những năm học trung học nói: “Ozil không phải là mẫu cầu thủ ưa vận động mà không đam mê làm bài tập toán như các ngôi sao khác. Ở trường, Ozil yêu thích toán học và cậu ấy rất đam mê cờ vua, môn thể thao đòi hỏi tự duy logic và những chiến lược. Tất nhiên, cậu ấy chơi luôn xuất sắc ở bộ môn này".
Có lẽ, tư duy chiến thuật trong Cờ Vua chính là những viên gạch đầu tiên để "xây dựng" nên nhạc trưởng tài ba trên sân bóng sau này. Có một điều ít ai biết rằng, trong những chuyến hành quân cùng đội tuyển Đức bây giờ, Ozil vẫn luôn mang theo một bàn cờ.
Gareth Bale
Gareth Bale học trường cấp một Eglwys Newydd ở Whitchurch. Khi mới 8, 9 tuổi, trong một lần chơi tại giải bóng đá 5 người cho đội bóng Cardiff Civil Service, Bale đã lọt vào mắt xanh của một tuyển trạch viên Southampton.
Anh đã từng được biết tới là một vận động viên chạy ngắn khi theo học ở trường trung học Whitchurch ở Cardiff. Tốc độ là thứ đặc sản mà Bale có ngay từ khi còn nhỏ. Ở độ tuổi 14, anh đã chạy 100 mét chỉ trong vòng 11,4 giây. Thế nhưng, thay vì trở thành một vận động viên chạy ngắn, Bale lại bén duyên với nghiệp cầu thủ.
Ngôi sao của Spurs từng tiết lộ, thời còn đi học, anh bị thầy giáo thể dục cấm sử dụng chân trái thường xuyên khi đá bóng. Bale nói: "Đó thực sự là một quy định chẳng dễ dàng gì. Nhưng tôi cho rằng đó là cách mà ông ấy giúp tôi phải sử dụng cái chân phải của mình nhiều hơn".
Ngôi sao sinh năm 1989 từng gặp rất nhiều khó khăn khi thầy giáo thể dục yêu cầu Bale hạn chế dùng cái chân trái của mình.
Chu Hải
(Tổng hợp)