Giải mã "Indochine" sau 25 năm vẫn hot?

Nguyễn Như Quỳnh
Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV Haniff 2016, lần đầu công chiếu tại Việt Nam nhưng "Indochine" bất ngờ nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả yêu điện ảnh.

Không quá khi nói rằng "Indochine" không hổ danh phim đoạt giải Oscar và Quả cầu vàng cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất ở các Liên hoan phim (LHP) danh giá: Quá xuất sắc, quá tuyệt vời!

Phim "Indochine" sản xuất năm 1992, đến năm nay phim đã kỷ niệm 25 năm khởi chiếu.

Đạo diễn người Pháp tài danh Régis Wargnier làm đạo diễn bộ phim này, nữ diễn viên Catherine Deneuve, nam diễn viên Vincent Perez cùng diễn viên trẻ người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan thủ 3 vai chính, toàn bộ bối cảnh phim, không gian phim được quay tại phim trường Việt Nam.

Nữ chính cũng là người kể chuyện, mạch phim là là dòng hồi ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại, quá khứ đồng hiện cùng với hiện tại. Đây là thể loại phim tái hiện bối cảnh lịch sử, kể câu chuyện lịch sử và huyền thoại về 1 mối tình ngang trái giữa 3 người.

Câu chuyện về 1 madam giàu có người Pháp, bà chủ nhiều đồn điền cao su giàu có, quyền uy, sang trọng ở xứ Đông Dương (vai bà mẹ), 1 cô gái mang dòng máu Đông Dương (vai con gái) và 1 anh chàng sĩ quan hải quân Pháp thực hiện nhiệm vụ cho Mẫu quốc Pháp ở xứ Đông Dương thuộc địa. Chàng trai đem lòng yêu cả 2 mẹ con, cuối cùng đi theo tiếng gọi của tình yêu đầy đau khổ và éo le vì sự truy đuổi của Mẫu quốc.

Nữ diễn viên người Việt Phạm Linh Đan.

Ấn tượng đặc biệt sâu sắc nhất của phim phải kể đến chính là bối cảnh quay phim, không gian phim, cảnh quay và góc quay. Toàn bộ bối cảnh quay phim là ở Việt Nam.

Không thể tưởng tượng được là cách đây 25 năm, thiên nhiên Việt Nam như danh thắng Vịnh Hạ Long, di sản thế giới Cố đô Huế, "Hòn ngọc Viễn Đông" Sài Gòn hiện ra đẹp mê hồn, lộng lẫy, vừa cổ kính, nguy nga, tráng lệ, sang trọng vừa mang những nét kiến trúc Pháp cổ điển, hiện đại đến vậy.

Làm nên cảm xúc ở khán giả phần lớn do góc quay, kĩ thuật quay điêu luyện. Hệ thống phim trường, đạo cụ được chú ý đến từng chi tiết, vật dụng nhỏ mang đậm chất Việt Nam thời kì "mưa Âu gió Mỹ", nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Khi mà vương triều phong kiến nhà Nguyễn vẫn được duy trì những chỉ là bù nhìn, không có quyền lực thực tế, quyền binh thực chất thuộc về Toàn quyền Đông Dương.

Chính bối cảnh đó làm cho không gian phim ngập tràn kiến trúc giao thoa Á- Âu vừa cổ kính, uy nghiêm, hoàng gia, lạnh lẽo kiểu cung vua phủ đệ phương Đông, vừa hiện đại, tân thời, quý phái, sang chảnh kiểu công tước, nữ hoàng phương Tây.

Thêm nữa, trang phục của diễn viên cũng là một điểm hết sức ấn tượng.

Từ những váy đầm, mũ xòe gắn lông vũ, comple, mũ phớt, nơ, gậy ba-toong, ví da với cách trang điểm, kiểu tóc đậm chất hoàng gia phương Tây đến những chiếc áo dài cổ đậm chất cung đình Huế với cách búi tóc, vấn khăn, đi đứng kiểu vương triều phong kiến phương Đông.

Những nhân vật quần chúng tái hiện lại khung cảnh nghèo đói, nô lệ, lạc hậu của xứ An Nam thuộc địa thời bấy giờ với những chiếc áo nâu rách rưới, vá chằng chịt, trong 1 không gian nghèo nàn, tiêu điều, xác xơ.

Ngoài diễn xuất đầy cảm xúc của 3 diễn viên chính - nhất là nữ chính, phim có sự tham gia của 1 số diễn viên gạo cội Việt Nam. Được chọn đóng vào vai phụ và vai quần chúng như: Cố NSND Trịnh Thịnh, NSND Lê Tiến Thọ, NSND Như Quỳnh, NSƯT Mai Châu, NSƯT Chu Hùng cũng trở thành tự hào khi diễn viên Việt Nam được đóng trong bộ phim giành giải Oscar.

Điều đó đủ để thấy điện ảnh nước nhà cần phải học hỏi nhiều như thế nào để không bị bỏ lại phía sau!

Anh Việt - Quỳnh Nguyên

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giải mã "Indochine" sau 25 năm vẫn hot? tại chuyên mục Phim của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phim khác