Giải mã sức hút của 9 mỏm đá "sống ảo" với giới trẻ

Nguyễn Hà
Những mỏm đá nằm chênh vênh giữa trời luôn là địa điểm ưa thích của người yêu mạo hiểm. Các tín đồ “sống ảo” cũng thích tới đây để lưu lại những khuôn hình ấn tượng.

Hàng trăm bạn trẻ xếp hàng chụp ảnh tại mỏm đá sống ảo: Mỏm đá nằm tại núi Woodson Road, Ramona (Mỹ), có chiều rộng hơn 3 m, chỗ hẹp nhất rộng 1,5 m, đủ để các bạn trẻ tha hồ tạo vô vàn dáng chụp hình độc đáo.

Pedra do Telegrafo (Brazil) là một trong số những mỏm đá "sống ảo" thu hút giới trẻ nhất thế giới. Mỏm đá chỉ cách mặt đất 1 m, tuy nhiên, độ ảo khi lên ảnh có thể đánh lừa rất nhiều người. Đây thật sự là nơi check in lý tưởng cho các tín đồ sợ độ cao, song lại thích "tỏ ra nguy hiểm". Ảnh: The Sun.

Potato Chip Rock (Mỹ) có hình dạng miếng khoai tây chiên mỏng, chênh vênh bên vách núi Woodson Road. Lên ảnh trông rất nguy hiểm, song trên thực tế, mỏm đá có chiều rộng từ 1,5-3 m và chỉ cách mặt đất khoảng 3 m. Du khách phải leo núi trong 5 tiếng để có được tấm hình yêu thích tại địa điểm này. Ảnh: Basiciggy.

Hanging Rock (Australia) là khối đá sa thạch (đá cát) cao 100 m, tách biệt khỏi vách đá liền kề. Để ra được phía nhô ra rộng chỉ gần 50 cm của mỏm đá, du khách phải liều mình trèo qua một đoạn đường đá hẹp, gồ ghề. Có lẽ bởi địa hình hiểm trở, Hanging Rock được khuyến cáo là không dành cho người yếu tim. Ảnh: TheTannyKid.

Rock Ledge (Guyana) là mỏm đá có bề mặt bằng phẳng, cao 225 m nằm trong công viên quốc gia Kaieteur. Du khách đến đây không chỉ thử thách sự gan dạ của bản thân, mà còn được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh sống động của thác nước Kaieteur Falls. Đây là một trong những thác có dòng chảy mạnh nhất thế giới. Ảnh: Arttravel.

Diving Board (Mỹ) mằm trong vườn quốc gia Yosemite nổi tiếng thế giới. Mỏm đá cao 460 m đem cảm giác ghê rợn cho du khách bởi mặt đá ngổn ngang ngay đầu mũi, tưởng như có thể lao xuống dưới vực sâu bất cứ lúc nào. Diving Board thích hợp cho những người thích độ cao và ưa mạo hiểm. Đứng từ đỉnh mỏm đá, du khách có thể nhìn xuống hồ nước Mirror ở dưới và ngắm các dãy núi hùng vĩ trải rộng trước mắt. Ảnh: Flickr.

Preikestolen (Na Uy) hay còn có tên Pulpit Rock, là vách đá dốc đứng có độ cao 604 m. Đỉnh của vách đá có độ rộng khoảng 25 m x 25 m và gần như bằng phẳng. Quang cảnh nhìn từ trên Preikestolen xuống hùng vĩ và ngoạn mục. Chính vì thế, vách đá thu hút hàng trăm nghìn du khách tới tham quan và chụp ảnh mỗi năm. Họ phải đi bộ và leo 3,8 km trong 1-3 tiếng để lên đến đỉnh này. Ảnh: Norwaygian.

Trolltunga (Na Uy) là một trong những vách đá đẹp và độc đáo nhất nước này. Trông từ xa, mỏm đá giống chiếc lưỡi khổng lồ vươn lên trời xanh, nên được gọi là “Lưỡi quỷ”. Du khách phải leo núi trong 4–5 tiếng mới tới được mỏm đá cao 700 m này. Cảnh sắc nhìn từ Trolltunga tuyệt đẹp, nên thơ, hút hồn bất cứ ai may mắn đặt chân tới nơi đây. Tuy nhiên, vào năm 2015, một nữ sinh 24 tuổi được cho là trượt chân ngã và tử nạn tại “chiếc lưỡi đá” khổng lồ này. Ảnh: TrolltungaActive. 

Pedra da Gavea (Brazil) nằm ở độ cao khoảng 844 m so với mặt nước biển, trong khu rừng mưa nhiệt đới Parque Nacional da Tijuca, Rio de Janeiro. Để tới mỏm đá, du khách phải leo núi trong 3 tiếng. Song ngay khi đặt chân tới nơi đây, tất cả sẽ thấy choáng ngợp bởi khung cảnh hữu tình của vùng bờ biển xinh đẹp phía dưới. Ảnh: Vr-rs.

Kjeragbolten (Na Uy) là hòn đá có diện tích khoảng 5m2, nằm cheo leo giữa 2 vách núi đá Kjerag ở độ cao 984 m. Đây cũng là điểm đến của những người ưa thích môn nhảy dù. Để có tấm hình ấn tượng ở hòn đá độc đáo này, du khách phải có thần kinh thép và những bước chân thật chắc chắn. Ảnh: Rentalocalfriend.

 Theo Zing

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giải mã sức hút của 9 mỏm đá "sống ảo" với giới trẻ tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.