Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ; đại diện của hơn 100 đơn vị là các Phòng GD&ĐT, trường học, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ giáo dục (EdTech) trên phạm vi toàn quốc.
Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Theo Thông tư 37/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT; Quyết định 4725/QĐ-BGDĐT, các trường học cần nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn mới về lớp học thông minh và thư viện số để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế, tại chương trình, các khách mời đã chia sẻ những việc cần làm để chuyển đổi số trong giáo dục.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Hồ Lê Na - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Nexta cho biết, từ những năm 2005, ngành Giáo dục đã có khái niệm về lớp học thông minh; năm 2011, Việt Nam đã có mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục. Đến thời đại hiện nay, sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục đã trở thành điều tất yếu, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Bà Hồ Lê Na cũng đưa ra những trở ngại đang gặp phải trong chuyển đổi số hiện nay như: hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; nguồn tài nguyên số và nội dung số còn thiếu vấn đề về chi phí, đầu tư dàn trải, các đơn vị cung cấp rời rạc; năng lực sử dụng công nghệ số của giáo viên chưa đồng đều.
Hệ sinh thái trường học thông minh hiện nay phải dựa trên nền tảng quản trị cơ sở giáo dục kết nối với các cấp quản lý và cơ sở dữ liệu ngành, trong đó có: lớp học thông minh, phòng điều hành thông minh, phòng studio, thư viện số,…
NGƯT, TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng, ngoài hệ thống các văn bản quy định của Nhà nước, ngành Giáo dục về chuyển đổi số, bản thân các cơ sở giáo dục là nơi trực tiếp thực hiện, đi vào thực tế. Hiện nay, các Edtech đang rất sẵn lòng cùng đồng hành với thầy cô. Do đó, cả 2 bên cần đồng hành, kết nối và có lộ trình cụ thể để tăng tốc chuyển đổi số, thực hiện lớp học thông minh.
Ông Nguyễn Sỹ Pháp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Masscom Việt Nam đưa ra góc nhìn của người làm kinh doanh: “Giáo dục là một “công ty” đặc biệt nhất để cho ra đời những tài năng của đất nước. Trong đó, công nghệ đóng vai trò góp phần phục vụ nhà trường đào tạo, bồi dưỡng và định hướng cho học sinh”.
Nhà trường nói gì về chuyển đổi số?
Trong buổi tọa đàm, các khách mời đến từ các cơ sở giáo dục đã và đang áp dụng chuyển đổi số, lớp học thông minh và thư viện số đã có những chia sẻ về kinh nghiệp áp dụng thực tiễn trong dạy và học.
Nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và lớp học thông minh phải có 5 trụ cột: Ban quản trị, Ban Giám hiệu nhà trường phải thông suốt, có sự đồng thuận; đội ngũ giáo viên; học sinh đáp ứng được các tiêu chí để sẵn sàng học tập chuyển đổi số; sự ủng hộ của phụ huynh học sinh; khả năng tài chính để thực hiện, đây là yếu tố quan trọng nhất.
Cô Tuyết Mai chia sẻ thêm, nhà trường được Nexta tập huấn về lớp học thông minh, sử dụng máy tính bảng, sử dụng phần, đưa các bài học STEM,… từ tháng 5/2024. Đến nay, trường có 2 lớp học thông minh, học sinh khiếm thị có thể sử dụng được phần mềm phục vụ việc học. Sắp tới đây, trường sẽ có thêm 2 lớp nữa được triển khai mô hình học tập thông minh.
Cô Đoàn Thị Thanh Vân - Giám đốc hệ thống trường Mầm non, Tiểu Học DPA (Thái Nguyên) nhận định, chưa bao giờ các cô giáo đến lớp dễ như hiện tại, bởi vì công nghệ hỗ trợ rất nhiều.
“Giáo viên hứng khởi với phòng học thông minh, đầu óc nhẹ nhàng hơn khi dạy nhờ sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm và thiết bị, vì vậy các cô rất tích cực tìm hiểu về công nghệ và nhờ đội ngũ của Nexta hướng dẫn. Với học sinh, các em lên phòng học thông minh rất ngoan, tập trung vào học tập vì vừa được học, vừa được chơi”, cô Thanh Vân nói.
Tại toạ đàm, các khách mời thời gian tham gia không gian trải nghiệm những giải pháp công nghệ giáo dục đến từ Nexta. Qua đó, hiểu hơn về mô hình lớp học thông minh và thư viện số.