Chiều ngày 27/10, TP.HCM đã ban hành Công văn số 3569 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống từ ngày 28/10 được phục vụ tại chỗ với một số điều kiện nhất định.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh chỉ được bán khi đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Chỉ phục vụ tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h hàng ngày và không bán đồ uống có cồn (trừ nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở phục vụ khách du lịch, cơ sở lưu trú).

Tuy vậy, thành phố căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cho phép Quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm bán đồ uống có cồn đến hết ngày 15/11. Khu vực cụ thể do người đứng đầu chính quyền của hai địa phương quyết định.
Sau thời gian thí điểm, Chủ tịch UBND quận 7 và TP. Thủ Đức tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Sau đó, báo cáo đề xuất UBND thành phố làm cơ sở để tiếp tục triển khai, nhân rộng tại các khu vực khác.
So với bộ tiêu chí do Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề xuất hôm 24/10, Bộ tiêu chí đã giảm từ 6 tiêu chí xuống còn 4 tiêu chí. Đồng thời cũng bỏ yêu cầu không bật điều hòa và không phục vụ bia, rượu.

Ngày 24/10, UBND TP. HCM đã công bố cấp độ dịch của 22 quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có 9 quận, huyện thuộc cấp độ 1 (bình thường mới), 12 địa phương thuộc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và Bình Tân là địa phương duy nhất ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).
Chính quyền thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương sẽ căn cứ theo mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên địa bàn phụ trách.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Hình thức bán mang về, tại chỗ phải dừng nhiều tháng qua để chống dịch khiến doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh. Trong 8 tháng qua, doanh thu ăn uống ở thành phố đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.