1. Đừng trì hoãn tất cả thời gian
Bạn có thường xuyên rơi vào tình trạng "vắt chân lên cổ" để hoàn thành bài tập vì sắp đến hạn nộp trong khi trước đó bạn có nhiều thời gian nhưng không hề mảy may đến nó? Nếu điều này xảy ra, thì có nghĩa là việc học của bạn luôn bị trì hoãn vì lý do nào đó. Trên thực tế, những thói quen liên quan đến sự trì hoãn khiến bạn không đạt hiệu quả cao trong học tập và còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì sao ư? Việc học dồn, thức khuya, thiếu ngủ... về lâu dài thực sự rất hại cho bạn. Hãy thay đổi điều này càng sớm càng tốt. Bạn sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn nếu có đủ khoảng thời gian cần thiết để tìm hiểu và hoàn thành chúng một cách chỉn chu nhất. Đương nhiên, khi đó khả năng cao là bạn sẽ đạt điểm tốt hơn và còn không ảnh hưởng đến sức khỏe nữa.
2. Đừng để bản thân thiếu ngủ
Thực tế vì nhiều lý do khác nhau chúng ta không dành đủ thời gian cho giấc ngủ. Thức khuya đang là tình trạng chung xảy ra ở nhiều sinh viên hiện nay. Nhiều bạn đã quen làm "cú đêm" nên toàn thức muộn để học, còn buổi sáng lại ngủ nướng. Cũng có bạn thức khuya cày game, hay xem cho hết vài bộ phim...
Đây là một thói quen không hề tốt chút nào và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: suy giảm của não bộ, nguy cơ bị bệnh tim cao... Do đó, hãy lựa chọn thời gian học hợp lý, cố gắng đi ngủ sớm như thế bạn mới đảm bảo được sức khỏe, độ minh mẫn để việc học tập đạt hiệu quả cao.
3. Đừng lãng phí thời gian cuối tuần
Học hết mình, chơi hết sức dường như là phương châm của nhiều sinh viên. Chắc chắn, bạn vẫn nên có một khoảng thời gian cuối tuần, vui chơi giải trí cùng bạn bè hoặc tham gia một vài hoạt động yêu thích. Nhưng thực tế, bạn không phải nhất thiết chơi bằng hết những ngày cuối tuần, thậm chí lãng phí nó vì không làm gì cả.
Cuối tuần cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn ôn lại bài vở, thư thả hoàn thành một số bài tập hoặc tham gia một lớp học nào đó. Một cách dễ dàng để đảm bảo thời gian cuối tuần của bạn không bị lãng phí là dành thời gian cụ thể vào mỗi thứ bảy hoặc chủ nhật dành cho việc học thêm một thứ gì đó khi bạn không có những lịch trình vui chơi, giải trí.
4. Thói quen tập trung: điều quan trọng nhất cho việc có được kết quả tốt trong học tập.
Luôn chuẩn bị bài trước khi đến lớp, đi học một cách đều đặn và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện “trốn” tiết nhé!
Học cách ghi chép hợp lí: Bạn cần phải ghi lại những vấn đề cốt lõi, để chắc rằng những thông tin bạn ghi lại có giá trị, hãy thử tìm câu trả lời cho bài kiểm tra trong vở ghi của mình. Nếu có, bạn đã học được cách ghi chép thông minh còn nếu không, hãy xem lại và học tập cách thức từ vở ghi của những người bạn cùng lớp hoặc nhờ giáo viên giúp đỡ trong việc nâng cao khả năng nắm bắt những ý chính.
Sắp xếp một khoảng thời gian nhất định trong ngày để học, ngay cả khi bạn không có bài tập về nhà hay tiết kiểm tra vào ngày mai.
Luôn xem lại những gì đã học mỗi ngày: Hãy xem lại bài học hằng ngày, ôn ngay những gì bạn đã học khi mà bài giảng của thầy, cô vẫn còn trong đầu sẽ giúp bạn ghi nhớ rất sâu những kiến thức. (Viết lại một lần nữa tất cả những gì mà bạn đã học cũng là một chiêu thức ghi nhớ hiệu quả).
Luôn đặt những dụng cụ học tập của bạn (sách, vở ghi, laptop…) ở một vị trí thuận tiện nhất để không phải tìm kiếm nó khi bạn cần.
Học nhóm cũng là một biện pháp tốt. Khi học nhóm bạn có thể dễ dàng phát hiện ra một số điều mà bạn đã nhầm lẫn và khi thảo luận sẽ làm bạn nhớ lâu. Nhưng nguy hiểm ở chỗ sẽ dễ biến thành “chợ tám”, những chuyến “buôn dưa lê” bất tận…
Quản lí thời gian: Bạn phải nghiêm túc thực hiện những gì đã đề ra. Chỉ có như thế bạn mới có thể có đủ thời gian để làm tất cả những gì phải làm. Nếu bạn chưa từng làm được điều này thì hãy bắt đầu bằng việc lên kế hoạch hằng ngày ngay từ bây giờ. Học cách quản lí tốt quỹ thời gian của mình sẽ khiến bạn thấy mỗi ngày dường như dài hơn đấy!
Học cách tập trung: Tập trung là một kỹ năng rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất cho việc có được kết quả tốt trong học tập. Cho dù cách học, phương pháp học và thời gian dành cho việc học của bạn như thế nào, thì thói quen tập trung tốt vẫn là kỹ năng cơ bản. Sự tập trung không chỉ cần thiết cho học tập mà cả trong cuộc sống hàng ngày. Tập trung tốt sẽ cho phép bạn tận dụng hiệu quả hơn thời gian và chuẩn bị tinh thần để bước vào những trải nghiệm mới.
5. Hãy rèn khả năng tự học
Tự biết khái quát, tổng hợp kiến thức; tự biết giải quyết các vấn đề; tự tìm tòi và đọc sách, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; tự giác và chủ động trong học tập... - những điều này thoạt nghe thì ai cũng nghĩ mình đã làm được, vì vốn đây là những thói quen, kỹ năng không xa lạ gì. Nhưng thực ra, nó khó và cần sự trau dồi, duy trì hơn bạn nghĩ đấy.
Ngọc Hiệp (Tổng hợp)