Hàn Quốc
Phong tục ăn uống trên bàn ăn của người Hàn quy định rất rõ. Khi có người cao tuổi dùng bữa cùng, những người còn lại sẽ chờ bậc cao niên ăn trước để tỏ lòng thành kính. Nếu được người lớn tuổi mời đồ uống, hãy cung kính đưa 2 tay lên rồi hơi cúi đầu xuống để đón nhận.
Nga
Rượu vodka được coi là niềm tự hào của người Nga. Trước kia, loại rượu này vốn là thứ đồ uống của người nông dân dùng để giữ ấm cơ thể trong những ngày đông giá rét. Đến nay, nó đã trở thành một phần trong cuộc sống và văn hóa quốc gia này. Hầu hết không mấy ai uống vodka vào sáng sớm. Nhưng nếu được mời một ly khi ở Nga, bạn hãy vui vẻ đón nhận. Điều này là dấu hiệu thể hiện sự tin tưởng và thấu hiểu. Nếu từ chối, bạn sẽ bị xem là bất lịch sự giống như việc từ chối một cái bắt tay.
Ngoài ra, thực khách không được bỏ thừa bánh mì khi ở Nga. Bạn chỉ nên ước chừng và lấy đủ dùng. Người Nga quan niệm rằng, khi chết đi, số bánh mì bạn bỏ thừa trong đời sẽ được cân lên và quyết định xem bạn có được lên thiên đường hay không.
Trung Quốc
Khi ăn ở Trung Quốc, bạn nên để lại một ít thức ăn thừa trên bát đĩa. Điều này ngầm hiểu thực khách hài lòng với bữa ăn ngon. Đồng thời, bữa ăn kết thúc, mọi người sẽ ợ rất to để báo hiệu với chủ nhà tất cả đều ăn uống no nê. Ngoài ra, bạn không được dùng đũa chỉ tay vào mặt người khác bởi đó là hành vi thiếu tôn trọng.
Pháp
Tại một số quốc gia, khi ăn cùng nhau mọi người thường có thói quen chia tiền thanh toán sau khi bữa ăn kết thúc. Tuy nhiên ở Pháp điều này được xem là thiếu tế nhị. Nếu bạn không trả, hãy để người khác thanh toán bữa ăn và bạn có thể mời họ ở các bữa sau đó. Một lưu ý khác không nên tỏ ra vội vã khi ăn uống mà hãy thoải mái và dùng bữa từ tốn.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Khi tới hai quốc gia này, bạn đừng hỏi xin thêm muối hay hạt tiêu bởi hành động này ngầm theo ý hiểu chê bai khả năng nấu nướng của người đầu bếp. Quy tắc ăn uống ở 2 nơi này đó là hãy hài lòng với những gì được phục vụ.
Nhật Bản
Ở nhiều quốc gia, việc ăn mì hay súp phát ra những âm thanh xì xụp được coi là hành vi kém văn minh, nhưng ở Nhật Bản lại được coi là hành động lịch sự, thể hiện người dùng ăn ngon miệng và ngưỡng mộ đầu bếp. Tuy nhiên, thực khách dùng bữa ở Nhật cần lưu ý không được gắp thức ăn cho nhau, liếm đũa, hay cắm đầu đũa vào bát cơm.
Đặc biệt, sau khi dùng bữa ở một nhà hàng tại Nhật, thực khách lưu ý không để tiền tip cho người phục vụ. Nếu hành động này ở các nước phương Tây được coi là bình thường, thì tại Nhật lại coi là điều xỉ nhục, coi thường. Giá bữa ăn bạn phải trả đã bao gồm tiền phục vụ.
Ấn Độ
Người Ấn Độ có thói quen ăn bốc bằng tay phải. Nếu ăn bằng tay trái sẽ bị coi là mất vệ sinh bởi người ta thường dùng tay trái vào mục đích liên quan tới nhà vệ sinh. Điều này cũng được áp dụng tại khu vực Trung Đông và một số quốc gia châu Phi. Ngược lại, người Chile cho rằng, ăn bốc bằng tay là hành vi kém văn minh.
Theo Dân trí