Bất ngờ với "bí mật" của rừng xanh

Khoa học Khám phá
Với vai trò “lá phổi xanh” của Trái Đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học.

Ẩn trong hình vóc của tầng tầng lớp lớp cây lá phủ xanh, rừng còn có vô vàn điều bí mật chờ chúng mình khám phá...

Rừng có từ bao giờ?

Những cây cao nhất thế giới ngày nay hay rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hành tinh (rừng Amazon ở Nam Mỹ) dường như luôn trường tồn với thời gian. Tuy nhiên, giống như mọi loài vật và hệ sinh thái, chúng đều có ngày sinh.

Lần đầu tiên thực vật xuất hiện trên cạn là khoảng 470 triệu năm trước. Tuy nhiên, mãi cho đến cách đây gần 390 triệu năm, những loài thực vật thân gỗ và rừng cây mới bắt đầu xuất hiện. Theo các nhà nghiên cứu, thực vật cần thời gian tiến hóa các tiền chất gene cần thiết để tạo ra cây thân gỗ và về sau, chúng trở nên vượt trội hơn so với những loài thực vật khác. Điều đó góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của những khu rừng trên khắp thế giới.

Cây trong rừng nhiều hơn sao trên trời

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature, hiện có khoảng hơn 3 nghìn tỷ cây xanh trên Trái Đất. Chỉ tính riêng trong rừng già Amazon đã có tới 390 tỷ cây khác nhau. Con số này gần gấp 4 lần số sao trong thiên hà của chúng ta.

Nơi có nhiều cây nhất thế giới (1,39 nghìn tỷ cây) là các cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở các khu vực ôn đới có khoảng 0,61 nghìn tỷ cây. Số cây mọc ở rừng phương Bắc - vành đai cây cối có quả hình nón bao quanh địa cầu ngay dưới Bắc Cực là khoảng 0,74 nghìn tỷ.

"Lá phổi" xanh của trái đất

Bầu khí quyển của chúng ta được tạo thành bởi khoảng 78% khí ni-tơ, 21% khí ô-xy và nhiều loại khí có hàm lượng nhỏ khác. Phần lớn các loài sống trên Trái Đất, kể cả con người, đều cần ô-xy để tồn tại, sau đó chuyển hóa thành khí các-bô-níc (CO2) khi thở. May mắn thay chúng ta được bổ sung ô-xy liên tục nhờ quá trình quang hợp của thực vật, đặc biệt là từ những khu rừng trên khắp thế giới. Không những vậy, cây cối còn hấp thụ lại khí CO2, từ đó giúp cân bằng lượng khí ô-xy và CO2 trong khí quyển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Rừng được coi là “lá phổi xanh” của Trái Đất vì trong quá trình quang hợp, thực vật hấp thụ khí các-bô-níc và thải ra khí ô-xy giúp điều hòa không khí.

Rừng Amazon có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2, giúp giảm sự ấm lên của Trái Đất. Ước tính, rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí ô-xy trên Trái Đất và hấp thu 26.000 tấn vật chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm.

"Cái nôi" của đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất, dưới mọi hình thức, từ gen và vi khuẩn đến toàn bộ hệ sinh thái… Sự đa dạng sinh học mà chúng ta thấy ngày nay là kết quả của 4,5 tỷ năm tiến hóa, ngày càng chịu ảnh hưởng của con người.

Đa dạng sinh học tạo nên mạng lưới sự sống mà chúng ta phụ thuộc vào rất nhiều thứ trong đó: Lương thực, thực phẩm, nước, thuốc men, khí hậu… Và rừng được coi là “cái nôi” của đa dạng sinh học trên Trái Đất. Ước tính, rừng là nơi cư trú của hơn 50% loài thực vật và động vật. Đa dạng sinh học cao nhất nằm ở rừng mưa nhiệt đới Amazon, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa rừng Amazon và dãy núi Andes. Đây là nơi sinh sống lý tưởng của hàng triệu loài động, thực vật. Hiện đang có khoảng 1/3 loài chim của thế giới cư trú tại khu rừng rậm này.

Nước nào sở hữu nhiều rừng nhất?

Rừng xanh trên thế giới che phủ khoảng 1/3 diện tích đất liền của Trái Đất, chiếm khoảng 40 triệu km2. Các quốc gia sở hữu phần lớn diện tích rừng thế giới gồm: Nga (7,8 triệu km2), Brazil (4,8 triệu km2), Canada (3,1 triệu km2), Mỹ (3 triệu km2), Trung Quốc (1,8 triệu km2) và Cộng hòa Dân chủ Congo (1,8 triệu km2).

Nhưng rừng đang dần bị thu hẹp

Tiếc rằng, hằng năm có khoảng 20.000 - 30.000 km2 rừng nhiệt đới bị phá hủy để sản xuất lương thực, làm đồng cỏ chăn nuôi… Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản cũng khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng ở nhiều vùng, nhất là tại các nước đang phát triển. Diện tích rừng bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với việc tăng xói mòn, sạt lở đất, nhất là trong mùa mưa lũ do độ che phủ của đất bị suy giảm.

Cùng với đó, tình trạng mất đa dạng sinh học ngày nay cũng đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có, ước tính gấp khoảng 100 lần so với tốc độ mất các loài trong lịch sử Trái Đất. Trong những thập kỷ sắp tới, với tốc độ này, mức độ biến mất của các loài sẽ còn cao hơn nữa, gấp khoảng 1.000 - 10.000 lần.

Trái Đất cần thêm bao nhiêu cây xanh?

Như các bạn đã biết, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2, làm sạch không khí và cung cấp ô-xy. Một cây xanh trưởng thành trung bình hấp thụ 22kg CO2 mỗi năm và sản sinh lượng ô-xy đủ cho hai người hô hấp. Vì vậy, việc trồng cây gây rừng không chỉ giúp Trái Đất xanh hơn mà còn đảm bảo cuộc sống bền vững cho con người và động vật.

Theo ước tính của các nhà khoa học, chúng ta cần trồng thêm ít nhất 1,2 nghìn tỷ cây xanh. Con số này đủ để hấp thụ hết lượng CO2 mà loài người đã thải ra từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Việc trồng 1,2 nghìn tỷ cây xanh tưởng như là chuyện “khó hơn lên trời”, nhưng các chuyên gia khẳng định, chỉ cần mỗi người trồng thêm 150-200 cây trong suốt cuộc đời, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số đó.

Ngay từ bây giờ, bên cạnh việc bảo vệ rừng với trách nhiệm cao nhất, chúng ta cần hình thành thói quen trồng và chăm sóc cây xanh ở nơi sinh sống, học tập và vui chơi… Hành động thiết thực đó sẽ góp thêm những mảng xanh ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bất ngờ với "bí mật" của rừng xanh tại chuyên mục Hành Trang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Hành Trang khác

"Mona Lisa" sắp có phòng trưng bày riêng

Tranh "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci sắp được chuyển đến một không gian trưng bày mới tại Bảo tàng Louvre, với mức vé tham quan riêng, nhằm giảm tình trạng quá tải du khách.

Du Xuân qua những miền di sản

Tết… Tết… Tết… Tết đến rồi! Ngoài việc sum vầy bên gia đình, hân hoan theo bố mẹ đi chúc Tết họ hàng…, đây cũng là dịp tuyệt vời để chúng mình vi vu đến những miền di sản, khám phá thiên nhiên tươi đẹp và những điều lý thú về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của mỗi vùng miền trên cả nước.

5 địa điểm ngắm tuyết đẹp nhất Việt Nam

Dù tuyết không thường xuyên xuất hiện, mùa đông tại một số địa điểm ở Việt Nam vẫn khoác lên mình vẻ đẹp kỳ ảo, tựa như những khung cảnh mùa đông ở các quốc gia ôn đới. Dưới đây là 5 điểm đến nổi bật nhất để trải nghiệm mùa đông thơ mộng và cơ hội "săn tuyết" ở Việt Nam.