Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng Con Cưng (Ảnh: Tiền Phong)
Trước đó, khách hàng là ông Trương Đình Công Vĩnh, ngụ phường 14, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã làm đơn thư khiếu nại về vụ việc như sau: Ngày 22/5, ông có mua tổng cộng 7 sản phẩm dành cho bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình).
Tuy nhiên khi về nhà, ông Vĩnh phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.
Ngay sau sự việc, trong hai ngày là 20 và 21/7/2018, truyền thông và dư luận đã đặt các câu hỏi xung quanh các sản phẩm được bày bán tại hệ thống siêu thị Con Cưng, nghi vấn rằng nguyên liệu và nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của hệ thống này có đúng từ Thái Lan hay không.
Báo điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn) sáng 21/7 dẫn thông tin cho hay, từ khi sự việc xảy ra, hệ thống siêu thị Con Cưng đã nhiều lần gửi lời xin lỗi tới khách hàng Trương Đình Công Vĩnh, đồng thời phía công ty này cũng bồi thường cho khách hàng bằng cách gửi ông Vĩnh một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng trên toàn hệ thống. Song khách hàng là ông Vĩnh không đồng ý với lời xin lỗi này và gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).
Chiếc áo bé gái do siêu thị Con Cưng bày bán có dấu hiệu bị cắt tem và thay thế bằng tem nhãn CF
Cùng với đó, hệ thống siêu thị Con Cưng cho biết đã thu hồi gần 6.000 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Đồng thời gửi tin nhắn đến gần 4.000 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới, thông tin trên báo Tiền Phong.
Trong ngày hôm nay (23/7), Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm tra hơn 70 cửa hàng của công ty Con Cưng trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy nhiều cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Trong đó đáng chú ý mặt hàng mỹ phẩm cho trẻ em nhãn mác không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định…
Tờ Tiền phong cũng dẫn lời đại diện cơ quan chức năng thông tin thêm: Về nguyên tắc, các sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc.
P.V (tổng hợp)