"Hàng nhập khẩu" có vị... xà phòng
Mới đây, một vị phụ huynh đã chia sẻ trên Facebook về một loại kẹo "nhập khẩu" đáng sợ. Cụ thể, cô đã rất hoảng sợ khi thấy con mình hồn nhiên ăn một thanh kẹo hình son môi màu xanh dương có mùi hệt như xà phòng. Dù bạn học sinh này đã súc miệng kỹ nhưng màu xanh hoá học rợn người đó vẫn còn dính chặt trên lưỡi.
PV đã tiến hành khảo sát tại một số trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và nhận thấy, kẹo son môi được bày bán công khai tại không ít các cửa hàng tạp hoá nhỏ.
Theo lời của chủ cửa hàng, loại kẹo này là "hàng nhập khẩu" có hương vị trái cây quen thuộc. Loại thứ nhất có giá 3000 đồng, vỏ ngoài dán hình đồ chơi ngộ nghĩnh và hình dáng tương tự một thỏi son thật. Loại thứ hai có giá 5000 đồng, gồm 4 thanh kẹo bên trong và có thể dễ dàng cho vào từng đầu ngón tay để… thưởng thức.
Kẹo son môi là "hàng nhập khẩu" nhưng giá thành lại rất học sinh
Các bạn học sinh cho biết, mặc dù đã được bố mẹ cảnh báo “kẹo có nhiều hóa chất” nhưng vẫn xin bố mẹ tiền mua vì… ngon, lạ, hấp dẫn. Cứ sau giờ tan học, những cửa hàng tạp hóa nhỏ vốn vắng tanh trước đó lại bị “bủa vây” bởi cả nhóm học sinh đến mua và ăn kẹo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Huấn (Bà nội một bạn học sinh tiểu học ở Gia Lâm) cho biết: “Dù là đi đón cháu rất thường xuyên nhưng chưa hề nghe đến kẹo son môi lần nào. Ở nhà khi nào cũng dặn cháu là không được ăn kẹo ở cổng trường. Nhưng việc trông coi các cháu cả ngày là không thể. Trẻ con nhìn kẹo thì thấy bắt mắt thì thích mua rồi ăn, người lớn vừa nhìn đã thấy sợ”.
Phớt lờ mọi cảnh báo
Hiện chưa có công bố cụ thể về tác hại của kẹo son môi với trẻ em. Tuy nhiên, các bạn học sinh cần lưu tâm nhiều hơn về vấn nạn đồ ăn vặt giá cực rẻ, không rõ nguồn gốc đang xuất hiện tràn lan trên thị trường để bảo vệ sức khoẻ của bản thân.
Đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc hay giả mạo xuất xứ được tuồn vào các tạp hóa quanh trường học là vấn nạn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong nhiều năm qua. Dù được các cơ quan truyền thông, nhà trường và gia đình nhắc nhở về tác hại của chúng nhưng nhiều bạn học sinh vẫn bỏ ngoài tai.
Những thỏi kẹo son môi đủ màu sắc có thể tìm mua dễ dàng tại các cổng trường học
Khi được hỏi về kẹo son môi, một nhóm bạn học sinh tại trường Tiểu học trong khu đô thi Đặng Xá hồn nhiên chia sẻ: “Bố mẹ, ông bà mình vẫn dặn là không được ăn vì những kẹo này có nhiều hóa chất. Nhưng các bạn khác ăn rồi cho mình ăn thử, thấy ngọt ngọt, chua chua nên xin tiền bố mẹ để đi mua tiếp”.
Nhiều học sinh khác thậm chí còn biết kẹo son có nguồn gốc từ Trung Quốc không tốt cho trẻ em nhưng vẫn ăn vì thấy bạn bè mua và khen ngon.
“Được bày bán hàng loạt ngay tại cổng trường thì việc mua và ăn ngay của nhiều học sinh tiểu học là không thể tránh khỏi. Để giảm bớt tình trạng này, phụ huynh cần phải nghiêm túc trong việc nhắc nhở, cảnh báo con em mình về tác hại những thức đồ ăn vặt như kẹo son, bim bim, thịt hổ, gậy cay,... Bên cạnh đó, cần tránh việc đưa cho các con cầm tiền tiêu vặt đi học”, một phụ huynh khác cho biết.