Hoạt động trải nghiệm cho học sinh có đang đi chệch quỹ đạo?

S.H
Môn học Hoạt động trải nghiệm đã đi vào giảng dạy chính thức tại các cấp học trên toàn quốc từ năm học 2020-2021 với ý nghĩa tốt đẹp là giáo dục nhân cách, kĩ năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Vậy nhưng, trong quá trình giảng dạy đã nảy sinh những bất cập.

Môn học giáo dục nhiều kĩ năng cho học sinh

Thực tế, hoạt động trải nghiệm không phải là hoạt động tự phát của các trường học. Bởi đây nằm trong hệ thống môn học đã được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 được Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó, môn học Hoạt động trải nghiệm được dạy trong tất cả các lớp học (từ 1 đến 12) trong cả 3 khối Tiểu học, THCS và THPT.

Môn học Hoạt động trải nghiệm mang đến nhiều giá trị cho các bạn học sinh.
Môn học Hoạt động trải nghiệm mang đến nhiều giá trị cho các bạn học sinh. (Ảnh minh họa)

Theo khung Chương trình GDPT “Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp” được ban hành cùng Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT vào ngày 26/12/2018 thì mục tiêu của chương trình học gồm:

Cấp tiểu học: hình thành thói quen tích cực cho học sinh trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành năng lực giải quyết vấn đề.

Cấp THCS: Củng cố thói quen tích cực, nền nếp trong học tập và sinh hoạt, hành vi giao tiếp ứng xử có văn hóa và tập trung hơn vào phát triển trách nhiệm cá nhân: trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; hình thành các giá trị của cá nhân theo chuẩn mực chung của xã hội; hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống; biết tổ chức công việc một cách khoa học; có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp, có ý thức rèn luyện một số phẩm chất cần thiết của người lao động và lập được kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản.

Cấp THPT: Giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực phát triển ở cấp tiểu học và THCS. Kết thúc giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai; xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành công dân có ích.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh có thêm kiến thức, kĩ năng sống.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh có thêm kiến thức, kĩ năng sống.  (Ảnh minh họa)

Từ những mục tiêu cụ thể này, SGK Hoạt động trải nghiệm dạy cho học sinh các nội dung học cụ thể như: kĩ năng lập kế hoạch, hiểu biết về bản thân và môi trường sống, hiểu biết về nghề nghiệp, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, chăm sóc gia đình, xây dựng cộng đồng, ứng xử có văn hóa khi tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia các hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bảo tồn danh lam thắng cảnh và tìm hiểu nghề nghiệp tại địa phương,…

Như vậy, Hoạt động trải nghiệm là môn học bổ ích với khung chương trình học cụ thể với định hướng phát triển toàn diện về đạo đức, kĩ năng sống và lựa chọn nghề nghiệp. Vậy vì sao hoạt động này gặp nhiều phản ứng tiêu cực trong thời gian qua?

Vẫn còn đó những bất cập

Ngoài việc học ở trên lớp và trong trường, đúng như tên môn học, hoạt động trải nghiệm cần có những giờ ngoại khóa bên ngoài trường học như: bảo tồn thiên nhiên, tìm hiểu về nghề nghiệp tại địa phương, tìm hiểu di tích lịch sử,…

Muốn thực hiện được những chương trình như vậy, các cơ sở giáo dục cần tính đến nhiều yếu tố, kể đến như sự nhất trí từ phía các bậc phụ huynh, yếu tố an toàn và chi phí thực hiện. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào giảng dạy chính thức, nhiều vấn đề đã phát sinh gây dư luận không tốt về môn học.

Mới đây nhất, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở ngoài nhà trường.

Theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong thời gian gần đây, một số cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngoài nhà trường chưa hiệu quả.

Do đó, các đơn vị tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát. Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi thăm quan, du lịch, dâng hương, thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định.

Nguyên nhân có thể do trước đó, trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Hải Phòng) đã tổ chức thu tới 2,8 triệu đồng/học sinh để tham gia hoạt động trải nghiệm “Theo dòng lịch sử” cho học sinh lớp 12 vào các tỉnh miền Trung. Một số phụ huynh cho rằng, việc này không hợp lí khi số tiền phải đóng lớn, cản trở các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh lớp 12 cần thời gian để ôn thi tốt nghiệp và vào đại học.

Vào tháng 3/2023, một số Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã ra văn bản nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động trải nghiệm để thu tiền đi tham quan, du lịch của học sinh.

Văn bản số 308/SGDĐT- GDPT, Sở GD&ĐT Tuyên Quang yêu cầu các đơn vị, trường học phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, phù hợp với nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, thời lượng và điều kiện thực tế của nhà trường.

Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng ra văn bản yêu cầu các trường tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình học. Công tác tổ chức cần đảm bảo an toàn, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh vào cùng một thời điểm.

Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, qua phản ánh vẫn còn một số trường học tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường (trong đó có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) chưa đúng quy định. Kinh phí tổ chức hoạt động chưa bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính theo đúng quy định, chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận phụ huynh học sinh và dư luận xã hội...

Như vậy, có thể thấy việc thực hiện hoạt động trải nghiệm vẫn còn đó những bất cập. Trong quá trình thực hiện chương trình môn học, có lẽ các nhà trường nên lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để đảm bảo hoạt động được diễn ra an toàn, dân chủ, nhận được sự thống nhất từ phía phụ huynh và học sinh.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động trải nghiệm cho học sinh có đang đi chệch quỹ đạo? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.